Xuất huyết dạ dày có nguy hiểm không là thắc mắc của không ít bệnh nhân. Tình trạng này có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí là tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Bạn đọc hãy cùng với bài viết dưới đây tìm hiểu những thông tin hữu ích liên quan đến chủ đề này nhé!
Xuất huyết dạ dày có nguy hiểm không?
Xuất huyết dạ dày là tình trạng các vết loét hình thành trên niêm mạc bao tử bị chảy máu. Bệnh có thể diễn ra âm thầm trong một thời gian dài hoặc cũng có thể tấn công người bệnh một cách đột ngột. Với các trường hợp chảy máu cấp tính thì bệnh nhân cần có sự can thiệp y tế kịp thời.
Dưới đây là một số các biến chứng nguy hiểm mà người bệnh có thể gặp phải khi bị chảy máu trong dạ dày:
Thiếu máu
Thiếu máu là tình trạng người bệnh thường gặp phải nếu xuất huyết trong bao tử diễn ra âm thầm một thời gian dài. Thông qua các vết lở loét ăn mòn vào lớp lót, cơ thể mất đi lượng hồng cầu đáng kể, từ đó gây ra chứng thiếu máu. Người bệnh nhận biết biến chứng này thông qua một số biểu hiện bên ngoài như mệt mỏi, chán ăn, da xanh xao, cơ thể suy nhược,…
Trong dịch nôn có máu
Nếu vấn đề xuất huyết trong bao tử khiến người bệnh đột ngột buồn nôn, nôn mửa kéo dài kèm theo máu tươi thì cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay. Bởi vì đây là dấu hiệu của chảy máu ồ ạt gây ứ đọng vẫn dẫn đến phản ứng trào ngược dạ dày.
Nhiễm trùng khoang bụng
Tình trạng chảy máu trong xảy ra là do trên lớp lót niêm mạch dạ dày xuất hiện các vết loét sâu. Vấn đề này nếu kéo dài không được điều trị có thể sẽ khiến dạ dày bị thủng lỗ. Thông qua các lỗ thủng, thức ăn và dịch axit tràn qua khoang bụng gây nhiễm trùng. Đây cũng là biến chứng dễ dẫn đến tử vong nhất.
Ung thư bao tử
Ung thư bao tử có thể xảy ra nếu bệnh nhân bị xuất huyết trong do nhiễm khuẩn Helicobacter. Tuy nhiên, tỷ lệ của biến chứng này khá hiếm, chỉ chiếm khoảng 3%.
Điều trị xuất huyết dạ dày
Điều trị xuất huyết trong dạ dày phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như tình trạng sức khỏe, mức độ chảy máu và nguyên nhân gây ra. Thông thường, các bác sĩ có thể áp dụng một số các biện pháp sau:
Sử dụng thuốc tân dược
Điều trị bằng thuốc thường chỉ áp dụng nếu tình trạng chảy máu mới xảy ra và ở mức độ nhẹ. Tùy vào từng mục đích khác nhau mà các loại thuốc sử dụng sẽ có sự thay đổi. Ví dụ: Tránh viêm nhiễm do h.pylori dùng kháng sinh (amoxicillin, tetracycline,..), ức chế axit bao tử dùng cimetidin, esomeprazole,.., bảo vệ niêm mạc và kích thích liền vết loét dùng gastropulgite,…
Can thiệp ngoại khoa bằng nội soi
Phương pháp nội soi được sử dụng phổ biến trong điều trị chảy máu trong bảo tử, nhất là với các trường hợp cấp tính hoặc bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng. Thủ tục này không tồn quá nhiều thời gian đồng thời giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng.
Thông qua một dụng cụ đặc biệt có đầu gắn thiết bị nội soi, các bác sĩ sẽ xác định chính xác vị trí đang chảy máu. Sau đó, họ sẽ tiến hành hút bỏ phần máu đông và sử dụng một số biện pháp như tia laser, tiêm thuốc, kẹp y tế,…để cầm máu cũng như làm lành vết loét.
Chăm sóc và phòng ngừa chứng xuất huyết dạ dày
Tình trạng chảy máu bên trong dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu bạn thực hiện những biện pháp sau:
Thận trọng khi sử dụng thuốc giảm đau
Các thuốc giảm đau nếu sử dụng trong một thời gian dài rất dễ gây ra viêm loét bao tử – tiền đề cho chứng chảy máu trong. Những bệnh nhân trên 65 tuổi hoặc sử dụng rượu bia thường xuyên thì nguy cơ còn cao hơn nữa. Chính vì vậy, dù đây đều là những loại thuốc không cần đơn kê thì bạn vẫn nên được sử dụng theo chỉ định.
Không hút thuốc lá và hạn chế đồ uống chứa cồn
Cả thuốc lá và đồ uống chứa cồn đều có khả năng bào mòn lớp niêm mạc dạ dày và tăng sản xuất axit dịch vị. Nếu lạm dụng chúng trong thời gian dài, bạn có thể phải đối mặt với chứng xuất huyết bao tử rất nguy hiểm. Vì vậy, hãy hạn chế thuốc lá, rượu bia để đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt hơn!
Tiêu thụ các thực phẩm giàu men vi sinh
Trong hệ tiêu hóa của bạn tồn tại hàng triệu các loại vi khuẩn khác nhau. Nếu như H.pylori có thể gây viêm loét thì cũng có những lợi khuẩn giúp ngăn chặn vấn đề này. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị tiêu thụ các loại thực phẩm giàu men vi sinh như sữa chua, pho mát, dưa cải muối,..để bảo vệ dạ dày của bạn hiệu quả hơn.
Ngăn ngừa nguy cơ nhiễm H.pylori
Vi khuẩn H.pylori có thể được ngăn ngừa nếu như bạn: Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và tiếp xúc với đất bẩn; sử dụng nguồn nước đảm bảo vệ sinh; tiêu thụ thực phẩm được nấu chín hoàn toàn, đặc biệt là các loại thịt động vật có vú.
Kiểm soát tốt tâm lý
Các vấn đề liên quan đến căng thẳng tâm lý hay stress là yếu tố rủi ro hàng đầu dẫn đến tình trạng viêm loét và chảy máu trong dạ dày. Vì vậy, lời khuyên cho bạn là nên cố gắng thư giãn, thả lỏng bản thân sau một ngày làm việc bận rộn bằng cách ngâm mình trong bồn tắm, nghe nhạc, xem phim, tâm sự với người thân,…
Thói quen ăn uống lành mạnh
Một thói quen ăn uống lành mạnh không chỉ giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh mà còn tích cực cải thiện chất lượng cuộc sống. Bạn không nên: Bỏ qua bữa sáng, ăn ít rau và trái cây tươi, uống ít nước, ăn quá nhanh, nhai không kỹ thức ăn hoặc vừa đi vừa ăn,….
Bài viết trên hy vọng đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức mới về vấn đề xuất huyết dạ dày có nguy hiểm không. Bạn có thể chăm sóc sức khỏe của hệ thống tiêu hóa thông qua việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường rèn luyện thể chất và hạn chế tạo áp lực gây căng thẳng tâm lý cho bản thân!