Viêm hang vị dạ dày là một bệnh lý gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, bệnh này có thể tiến triển thành nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày… Hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị về bệnh viêm hang vị trong bài viết sau!
Viêm hang vị dạ dày là gì?
Dạ dày của con người được chia làm sáu khu vực khác nhau, lần lượt phân biệt là: Tâm vị (tiếp giáp với thực quản), phình vị, thân vị, hang vị, hang môn vị, môn vị (tiếp giáp với tá tràng). Hang vị là phần nằm ở phần gần cuối bao tử. Bệnh lý viêm hang vị dạ dày là tình trạng lớp niêm mạc dạ dày bị nhiễm trùng, sưng tấy và lở loét.
Viêm hang vị dạ dày là một bệnh lý có tính phổ biến và có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, người trên sáu mươi tuổi hoặc những người có lối sống sinh hoạt kém lành mạnh thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bệnh này nếu không được điều trị sớm có thể lan rộng sang các khu vực khác của dạ dày hoặc tiến triển thành mãn tính khó điều trị.
Các bác sĩ chia viêm hang vị dạ dày thành hai dạng chính, đó là:
- Viêm hang vị bao tử xung huyết: Dạng bệnh này xảy ra khi những vết viêm loét đã bào mòn hoàn toàn niêm mạc dạ dày, gây ra những đốm đỏ kèm theo máu đông. Với mức độ mãn tính, bệnh có thể khiến người bệnh bị chảy máu trong hoặc đi ngoài ra máu tươi.
- Viêm trợt hang vị bao tử: Dạng bệnh này đặc trưng bởi các vết viêm loét dài ăn sâu vào trong thành bao tử. Bên cạnh đó, người bệnh còn phải chịu những cơn đau dữ dội ở dạ dày cũng như thượng vị khi mắc viêm trợt hang vị bao tử.
Nguyên nhân gây viêm hang vị dạ dày
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra viêm hang vị dạ dày. Trong số đó nổi bật nhất là những yếu tố dưới đây:
Các loại thuốc điều trị
Việc lạm dụng thuốc trong một thời gian dài rất có hại đối với dạ dày. Đặc biệt là nhóm thuốc kháng sinh giảm đau nếu lạm dụng chúng sẽ ăn mòn dần dần các lớp lót niêm mạc của hang vị dạ dày và gây viêm sưng.
Một số các loại thuốc như thuốc chống viêm không kê đơn NSAIDs, steroid, viên uống bổ sung kali, viên uống bổ sung sắt, thuốc chữa bệnh ung thư,…đều có thể là nguyên nhân gây viêm hang vị dạ dày.
Các loại vi sinh vật
Vi khuẩn là yếu tố hàng đầu gây ra các vấn đề viêm nhiễm ở dạ dày, trong đó chủng Helicobacter chính là nguyên nhân phổ biến nhất. Theo nhiều nghiên cứu, Helicobacter chiếm đến hơn 90% nguyên nhân của các bệnh lý về bao tử trong đó có viêm hang vị dạ dày.
Loại vi khuẩn này thường có do lây nhiễm, ví dụ như dùng chung đồ vật với người mang mầm bệnh hoặc vô tình tiếp xúc với chất thải của họ,…Vi khuẩn HP tồn tại trong niêm mạc bao tử và có khả năng trung hoà axit dịch vị nhờ vào một loại enzym có tên gọi là unrease.
Bên cạnh vi khuẩn HP, một số các loại giun ký sinh, virus, bào tử nấm như giun móc, giun lươn,..cũng có thể là yếu tố gây bệnh viêm hang vị dạ dày.
Các phương pháp điều trị y tế và phẫu thuật
Giống như tác dụng phụ của thuốc điều trị, các phương pháp điều trị y tế và phẫu thuật cũng là nguyên nhân của viêm hang vị dạ dày. Có thể kể đến một số ví dụ như: Nội soi dạ dày, phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày, xạ trị ung thư,…
Tâm lý căng thẳng một thời gian dài
Stress, căng thẳng, áp lực tâm lý, trầm cảm,…rất dễ dẫn đến những tổn thương đối với hệ thống tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày. Tình trạng tâm lý cũng khiến bệnh nhân lạm dụng thuốc và chất kích thích như rượu, từ đó khiến viêm hang vị bao tử xảy ra. Trong đó, phụ nữ có thai thường xuyên căng thẳng rất dễ mắc bệnh này.
Do chế độ ăn uống không hợp lý
Dinh dưỡng luôn chiếm một vị trí quan trọng đối với sức khỏe và năng lượng của cơ thể. Nếu bạn hay bỏ bữa, thích ăn đồ hộp hay thức ăn nhanh, nghiện cà phê, nước ngọt, ít ăn rau xanh,…thì nguy cơ bạn bị viêm hang vị dạ dày là rất cao.
Các triệu chứng viêm hang vị dạ dày
Vào giai đoạn khởi phát, có thể bạn không cảm nhận được bất kỳ dấu hiệu nào. Tuy nhiên, khi bệnh bắt đầu phát triển, bạn sẽ nhận thấy một số các triệu chứng dưới đây:
Chứng ăn không tiêu
Chứng ăn không tiêu có thể xem là biểu hiện đặc trưng nhất của viêm hang vị dạ dày. Khi các vết loét ở niêm mạc ngày càng ăn sâu, quá trình nghiền và tiêu hóa thức ăn sẽ bị ảnh hưởng. Hậu quả là thức ăn bị lên men cùng với axit dịch vị tạo nên một lớp khí trong dạ dày. Bạn cũng có thể thấy nóng rát vùng thực quản kèm theo đó là cảm giác ấm ách khó chịu ở bụng.
Chướng bụng và ợ hơi
Dấu hiệu viêm hang vị dạ dày này thường đi cùng với chứng ăn không tiêu. Nếu quá trình tiêu hóa thức ăn không hiệu quả, lượng thức ăn thừa bị lên men ngay trong dạ dày và sinh ra chướng khí. Người mắc chứng này thường sẽ thấy bụng luôn phình to khó chịu, mất cảm giác thèm ăn và có thể bị ợ hơi, ợ chua liên tục.
Cảm thấy buồn nôn
Bởi vì những vết lở loét do viêm hang vị dạ dày gây ra, bạn có thể cảm thấy những cơn co rút đến quặn thắt ở bao tử, dù nó có được lấp đầy bởi thức ăn hay không. Điều này sẽ khiến bạn có cảm giác buồn nôn, thậm chí là nôn mửa, nôn khan rất khó chịu.
Màu sắc phân thải ra
Màu sắc của phân có thể giúp bạn nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề đang xảy ra tại dạ dày. Nếu bạn thấy phân thải ra có màu nâu hoặc đen sậm kèm theo mùi hôi thối khó chịu thì có thể có chảy máu tiêu hóa. Đây là tình trạng nguy hiểm nên cần được thăm khám và điều trị sớm.
Viêm hang vị dạ dày nguy hiểm không?
Theo các chuyên gia y tế, viêm hang vị dạ dày nếu không được điều trị sớm và chuyển sang dạng mãn tính có thể gây ra hàng loạt các biến chứng nguy hiểm như:
- Thiếu máu: Khi các vết loét bào mòn hoàn toàn thành mạch, chúng sẽ khiến tình trạng chảy máu trong mãn tính xảy ra. Kết quả là người bệnh viêm hang vị dạ dày luôn trong tình trạng mệt mỏi, chóng mặt và da dẻ xanh xao. Chứng thiếu máu là một trong các biến chứng thường gặp nhất của bệnh lý này.
- Teo hang vị dạ dày: Tình trạng viêm mãn tính có thể khiến các mô niêm mạc và tuyến dạ dày bị thiếu hụt trầm trọng, cuối cùng dẫn đến teo nhỏ.
- Sự tăng trưởng các mô bất thường: Thực tế thì tất cả các bệnh viêm loét ở dạ dày đều có thể dẫn đến những sự tăng trưởng các mô lành tính hoặc ác tính. Đặc biệt ở những người bị viêm hang vị dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP thì nguy cơ biến chứng lympho niêm mạc bao tử, ung thư bao tử càng cao hơn.
Các chẩn đoán viêm hang vị dạ dày
Trước khi lựa chọn phương pháp điều trị, điều quan trọng nhất là phải xác định được chính xác nguyên nhân gây ra viêm hang vị bao tử. Bởi vì đây sẽ là cơ sở giúp các bác sĩ xây dựng một pháp đồ chữa bệnh hiệu quả tối ưu nhất.
Hiện nay, các biện pháp được dùng trong chẩn đoán viêm hang vị dạ dày gồm có:
- Nội soi dạ dày – tá tràng: Các chuyên gia sẽ cho người bệnh nuốt một ống mềm đặc biệt có gắn thiết bị nội soi ở đầu thông qua đường miệng. Hình ảnh trả về trên máy tính cho phép bác sĩ quan sát toàn bộ lớp lót dạ dày ở mọi khu vực, từ tâm vị đến môn vị. Từ đó giúp họ phát hiện ra những vết viêm loét bất thường cũng như mức độ tiến triển của bệnh đang ở giai đoạn nào.
- Xét nghiệm mẫu phân thải: Việc xét nghiệm mẫu phân người bệnh viêm hang vị dạ dày thải ra giúp các bác sĩ kiểm tra xem liệu rằng có lẫn máu trong đó hay không. Nếu có, tức là hệ thống đường tiêu hóa của bệnh nhân đang gặp phải tổn thương.
- Xét nghiệm mẫu máu: Xét nghiệm máu gồm nhiều loại và các bác sĩ thường tùy theo triệu chứng vật lý trước khi đưa ra yêu cầu với người bệnh. Thông thường, họ sẽ tiến hành phân tích lượng tế bào hồng cầu trong mẫu máu để kiểm tra xem có sự thiếu hụt nào đang xảy ra không. Họ cũng có thể xem xét thêm vết tích của vi khuẩn HP và bệnh lý thiếu máu ác tính nếu có.
Cách điều trị viêm hang vị dạ dày
Tùy vào nguyên nhân và tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ đưa ra liệu pháp điều trị khác nhau. Bài viết dưới đây tổng hợp các cách điều trị viêm hang vị bao tử thường gặp nhất:
Điều trị viêm hang vị dạ dày bằng thuốc Tây y
Với biện pháp sử dụng thuốc Tây y điều trị nội khoa, các chuyên gia y tế có thể sẽ kê đơn cho bạn một số những loại tân dược sau:
Các thuốc giảm thiểu axit dạ dày:
Bởi vì axit dạ dày có thể khiến tình trạng viêm loét và đầy chướng bụng trở nên tồi tệ hơn nên các bác sĩ thường khuyến nghị người bệnh viêm hang vị dạ dày sử dụng các loại thuốc giảm thiểu axit dịch vị bao tử. Ví dụ như các chất ức chế bơm proton PPI (omeprazole, pantoprazole, lansoprazole, esomeprazole,..) và các thuốc chẹn histamine H2 (cimetidin, ranitidin, famotidin, nizatidin,…).
Các thuốc diệt khuẩn HP
Vi khuẩn HP là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm hang vị dạ dày. Trong các trường hợp nhiễm khuẩn như thế này, các bác sĩ thường kê đơn kháng sinh. Những loại kháng sinh này có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào vi khuẩn cũng như ngăn chặn sự lan rộng của viêm loét.
Ví dụ: Levofloxacin, metronidazole, tetracycline, clarithromycin, amoxicillin,…
Viên uống vitamin B12
Các loại viên uống bổ sung B12 có thể giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu do tổn thương hang vị dạ dày. Loại dược phẩm này cũng hữu ích trong các trường hợp bị viêm hang vị do các bệnh liên quan đến tự miễn như thiếu máu ác tính.
Đông y chữa viêm hang vị dạ dày
Cùng với các biện pháp điều trị bằng Tây y, Đông y hiện cũng đang là phương án chữa bệnh viêm hang vị dạ dày được nhiều người lựa chọn. Lý do là vì những bài thuốc thảo mộc thường lành tính hơn tân dược. Tuy nhiên, để đảm bảo không “tiền mất tật mang”, bạn nên lựa chọn các địa chỉ uy tín để được thăm khám và bốc thuốc.
Bài thuốc số 1
Bài thuốc số 1 thường dùng trong các trường hợp viêm hang vị dạ dày do căng thẳng tâm lý trong một thời gian dài, trong đông y thường gọi là phạm vị can khí, khiến quy vị can bị tổn thương.
Vị thuốc gồm có: Trần bì, phật tử, lai phụ tử, mộc hương, cam thảo, bình lang, hương phụ, tam tiên, hoắc hương, phật thủ và hoàng cầm.
Cách dùng: Các vị trên đem sắc trong hai tiếng, nước thuốc thu được chia hai lần uống, dùng sau bữa ăn.
Bài thuốc số 2
Bài thuốc số 2 này được dùng trong việc hỗ trợ điều trị viêm hang vị dạ dày do chế độ ăn uống thất thường, dẫn đến tỳ vị chịu thương tổn, gây ra ứ trệ huyết khí và chứng khó tiêu kéo dài.
Vị thuốc sử dụng: Thanh bì, xuyên khung, chỉ thực, hương phụ, bạch thược, chích thảo, sài hồ, huyền hổ và mai mực.
Cách dùng: Các dược liệu trên đem sắc uống hàng ngày, liều lượng là mỗi ngày một thang thuốc.
Chăm sóc và phòng ngừa viêm hang vị dạ dày
Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị, bạn cần có chế độ chăm sóc và phòng ngừa viêm hang vị bao tử phù hợp. Dưới đây là một số gợi ý hữu ích mà bài viết tổng hợp lại:
- Ăn chậm, nhai kỹ: Nhiều người có thói quen ăn nhanh dẫn đến việc nghiền thức ăn không đủ. Điều này có thể gây hại cho quá trình tiêu hóa, khiến dạ dày tiết ra nhiều axit dịch vị hơn bình thường. Chính vì vậy, bạn nên thay đổi thói quen xấu này bằng cách dành nhiều thời gian để nhai hơn. Bạn cũng nên chia nhỏ bữa ăn ra để phòng ngừa viêm hang vị dạ dày.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Tăng lượng trái cây tươi cùng rau xanh, chọn các thực phẩm giàu chất xơ, tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng và các chất cồn như rượu bia.
- Tránh để bản thân quá căng thẳng: Stress có thể khiến tình trạng viêm hang vị dạ dày trở nên tồi tệ hơn. Bạn có thể kiểm soát bằng cách nghe nhạc để thư giãn, tắm bồn nước ấm, tâm sự với người thân hoặc tập yoga và thiền. Tuyệt đối tránh việc lạm dùng các loại thuốc chống trầm cảm và thuốc ngủ.
- Đi khám bệnh định kỳ: Bạn nên đặt lịch thăm khám sức khỏe định kỳ sáu tháng một lần. Bên cạnh đó là xét nghiệm kiểm tra vi khuẩn HP để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh viêm hang vị dạ dày.
Bài viết trên hy vọng đã giải đáp phần nào những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến tình trạng viêm hang vị dạ dày. Sức khỏe của hệ thống tiêu hóa ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Vì thế ngay từ bây giờ, bạn hãy bảo vệ bản thân bằng cách xây dựng một lối sống lành mạnh cũng việc tăng cường bổ sức những loại thực phẩm tốt hàng ngày nhé!