Viêm da cơ địa ở trẻ em không phải là tình trạng hiếm gặp. Bệnh khởi phát theo từng giai đoạn, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ và quá trình phát triển của trẻ. Tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị chi tiết trong trong bài viết dưới đây!
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở trẻ em và trẻ sơ sinh
Viêm da cơ địa ở trẻ em có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, người ta thống kê ra 3 yếu tố phổ biến nhất gây bệnh này bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có cha/mẹ bị các bệnh da liễu như viêm da cơ địa, viêm da dị ứng, chàm da thì trẻ sinh ra có nguy cơ cao mắc bệnh này.
- Yếu tố cơ địa: Người mang cơ địa mẫn cảm nếu gặp phải các tác nhân gây bệnh sẽ kích thích các mầm bệnh phát triển nhanh chóng hơn, dễ chuyển biến thành bệnh viêm da cấp tính hoặc viêm da mãn tính.
- Yếu tố thời tiết: Thời tiết giao mùa từ nóng sang lạnh khiến cơ địa của trẻ không thích ứng kịp, hệ miễn dịch còn non nớt nên dễ mắc bệnh hơn.
Hình ảnh viêm da cơ địa ở trẻ em
Hầu như trẻ bị viêm da cơ địa đều có những triệu chứng nhận biết khá rõ ràng. Vì vậy, cha mẹ có thể dựa vào những dấu hiệu sau đây để nhận biết, sớm đưa trẻ thăm khám và điều trị:
- Da trẻ nổi nhiều nốt mẩn đỏ: Da trẻ sẽ xuất hiện các vết đỏ, có hình tròn ở tay hoặc chân. Khi bạn chạm vào có cảm giác sần sùi, thô ráp. Ngoài ra, các nốt mụn nước li ti cũng hình thành trên da.
- Phù nề da: Những vùng da bệnh thường sần sùi, thô ráp và dày hơn da thường. Bên cạnh đó, các vùng da bệnh cũng gây cảm giác nóng rát, ngứa, khó chịu.
- Da bị đóng vảy: Sau khi xuất hiện những nốt mẩn đỏ, da có hiện tượng đóng vảy rồi bong tróc. Nguyên nhân là do vùng da bị bệnh thiếu nước, chảy nhiều dịch rồi đóng vảy khô lại. Nếu trẻ cử động, những lớp vảy có thể bong ra thành từng lớp.
- Cơ thể mệt mỏi: Tình trạng ngứa ngáy gây nhiều phiền toái cho trẻ, trẻ thường xuyên quấy khóc, biếng ăn và sút cân nhanh.
Viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ có khỏi được không?
Trẻ bị viêm da cơ địa có thể sẽ phải đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực sau:
- Đa phần trẻ bị viêm da cơ địa được chữa trị đúng cách và kịp thời sẽ khỏi khi trẻ được 18 – 24 tháng tuổi. Một số trường hợp bệnh có thể sẽ kéo dài tới tầm 10 tuổi. Hãn hữu hơn, có những trẻ sẽ bị viêm da cho đến tuổi trưởng thành. Trong khoảng thời gian mắc bệnh, trẻ có thể phải trải qua nhiều giai đoạn phát bệnh, hoặc tái phát theo các đợt khác nhau trong năm và rất dễ chuyển sang thể mãn tính.
- Theo nhiều chuyên gia da liễu, bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em không gây nhiều nguy hiểm tới sức khoẻ tổng thể nhưng lại ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt, ăn uống,.. khiến cho trẻ thường xuyên ngứa ngáy, khó chịu, quấy khóc, biếng ăn dẫn tới suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến phát triển thể chất và trí não.
Trong cuộc sống hiện đại, các bệnh viêm da ngày một phổ biến hơn, ngoài viêm da cơ địa, viêm da dị ứng thì viêm da tiết bã cũng là một tình trạng đáng lưu tâm. Mọi người hãy chủ động tìm hiểu thông tin để có thêm kiến thức nhận biết cho bản thân qua bài viết: Viêm da tiết bã là gì nhé!
Chữa viêm da cơ địa cho trẻ sơ sinh
Hiện nay, các phương pháp chữa viêm da cơ địa cho trẻ sơ sinh đều hướng đến mục đích chính là giúp giảm các triệu chứng khó chịu, giảm ngứa ngáy, làm ẩm da, chống nhiễm trùng,… Đối với từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ có phương án điều trị phù hợp. Cụ thể từng phương pháp như sau:
Chữa viêm da cơ địa cho trẻ bằng Tây y
Thông thường, các bác sĩ sẽ kê thuốc uống, thuốc bôi,… cho trẻ nhằm phục vụ mục đích giảm các triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa:
- Sử dụng thuốc bôi ngoài da có tác dụng điều trị tại chỗ, giảm triệu chứng. Một số loại thuốc thường được kê là: Thuốc bôi ẩm da, thuốc điều trị theo tình trạng bệnh (nhẹ – trung bình – nặng), thuốc đắp, thuốc làm bong vảy, bong sừng da.
- Dùng thuốc uống nhằm cải thiện tình trạng mẫn cảm từ bên trong cơ thể. Các loại thuốc uống thường xuyên được chỉ định bao gồm: Thuốc kháng sinh, thuốc gây ức chế miễn dịch, thuốc uống có chứa corticoid.
Lưu ý: Các loại thuốc chữa viêm da cơ đia ở trẻ em cần phải được dùng thận trọng cả về liều lượng và thời gian điều trị. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc về điều trị cho con để tránh gây ra những tác dụng phụ không mong muốn
Chữa viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh bằng các mẹo dân gian
Từ xưa đến nay, nhiều người vẫn truyền tay nhau về các loại lá tắm chữa viêm da cơ địa ở trẻ em hiệu quả như lá khế, lá chè xanh, lá trầu không, lá đơn đỏ,… Đây đều là những loại thảo dược quen thuộc và gần gũi với người dân Việt Nam. Các loại lá có chứa dược tính an toàn, tiết kiệm chi phí với công dụng kháng viêm, kháng khuẩn, giảm ngứa ngáy, khó chịu cho cơ địa da.
Tuy nhiên, vì hàm lượng dược chất không cao nên cần dùng lâu dài mới có tác dụng nhất định. Ngoài ra, một số loại lá tắm có thể gây khô da nên cha mẹ cần chủ động sử dụng thêm các loại kem dưỡng ẩm phù hợp nhằm cân bằng độ ẩm cho da trẻ.
Ngoài điều trị đúng cách, cha mẹ cần chú ý một số yếu tố sau đây nhằm hạn chế tình trạng tái phát bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em:
- Mẹ nên cho trẻ bú sữa hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên để đảm bảo trẻ có một hệ miễn dịch khỏe mạnh.
- Vệ sinh không gian sống và vui chơi của trẻ sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế vi khuẩn.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với các loại lông động vật, khói bụi, môi trường ô nhiễm.
- Sử dụng các loại quần áo có chất liệu mềm mỏng, rộng rãi để tránh cọ xát vào cơ thể.
- Khi vệ sinh cho trẻ cần sử dụng nước có nhiệt độ vừa phải.
- Cắt móng tay, đeo găng tay cho trẻ nhằm hạn chế việc trẻ tự cào gãi lên da gây nhiễm trùng.
- Giúp trẻ bổ sung dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ vitamin và khoáng chất thiết yếu nhằm nâng cao sức đề kháng.
Tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ em nếu được phát hiện và chữa trị sớm thì hoàn toàn có thể khắc phục triệt để. Vì vậy, nếu trẻ có các biểu hiện của bệnh thì cha mẹ hãy đưa bé đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời.