Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý về rối loạn tiêu hóa liên quan tới hoạt động của cơ giữa thực quản, cơ thắt thực quản dưới, dạ dày và có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời bạn đọc tìm hiểu chi tiết qua bài viết!
Trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Trào ngược dạ dày thực quản còn được gọi là trào ngược acid dạ dày. Tên khoa học của bệnh là gastroesophageal reflux disease (GERD). Đây là một bệnh lý liên quan đến các cơ quan tiêu hóa thực quản và dạ dày.
Ở những người có hệ tiêu hóa bình thường, cơ thắt thực quản dưới có vai trò mở ra để cho phép thức ăn đi vào dạ dày và đóng lại để ngăn thức ăn và nước dạ dày chảy ngược lên trên. Ở những người bị bệnh, cơ thắt thực quản dưới bị yếu hoặc đóng mở không nhịp nhàng khiến các chất trong dạ dày chảy ngược lên thực quản.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, có thể hiểu đơn giản rằng chứng trào ngược dạ dày là tình trạng dịch dạ dày và thức ăn bị đẩy ngược lên thực quản thay vì tiêu hóa và thải ra ngoài bằng đường hậu môn. Mức độ nghiêm trọng của bệnh lý này phụ thuộc vào mức độ rối loạn chức năng cơ thắt thực quản dưới và lượng chất lỏng đưa lên dạ dày.
Lưu ý, cần phân biệt chứng trào ngược sinh lý và trào ngược bệnh lý. Theo đó, nếu thức ăn và nước uống trào ngược lên thực quản ngay sau bữa ăn và không kèm theo các triệu chứng khác thì là trào ngược dạ dày sinh lý bình thường. Trong trường hợp tình trạng này xảy ra thường xuyên từ 2 đến 3 lần mỗi tuần, kèm theo các triệu chứng tổn thương thực quản thì được gọi là trào ngược dạ dày thực quản.
Chứng bệnh trào ngược có thể xảy ra ở tất cả mọi người trong đó có cả phụ nữ mang thai. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như ho mãn tính, viêm thanh quản, loét thực quản, ung thư thực quản… Do đó, việc hiểu đầy đủ về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh là rất cần thiết.
Dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản
Nhận biết sớm các triệu chứng GERD sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong lựa chọn phương pháp điều trị và hạn chế biến chứng của bệnh. Dưới đây là một số dấu hiệu bạn có thể gặp khi bị trào ngược dạ dày:
- Cảm giác nóng rát ở ngực: Thường xảy ra sau khi ăn và trong khi ngủ.
- Miệng tiết ra nhiều nước bọt hơn: Khi axit dạ dày có dấu hiệu trào ngược lên, khoang miệng sẽ tiết nhiều nước bọt để giúp trung hòa lượng axit này.
- Ợ nóng, ợ hơi, ợ chua: Những triệu chứng này xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới bị giãn quá mức khiến axit dạ dày bị trào ngược lên gây ợ chua, ợ hơi, ợ nóng và thường xảy ra sau bữa ăn, khi cúi người.
- Buồn nôn, nôn: Triệu chứng này thường xuất hiện khi người bệnh ăn no, ăn đồ chua, cay….
Ngoài các triệu chứng trào ngược dạ dày thường gặp trên, một số biểu hiện khác ít gặp hơn nhưng có thể báo hiệu bạn bị chứng bệnh GERD là:
- Khó khăn hoặc đau khi nuốt
- Gián đoạn giấc ngủ vào ban đêm gây khó ngủ
- Viêm họng mãn tính
- Viêm thanh quản hoặc khàn giọng
- Viêm nướu
- Sâu răng
- Hôi miệng
- Đau tức ngực
Nguyên nhân gây trào ngược axit dạ dày
Nguyên nhân gây nên chứng trào ngược dạ dày thực quản là cơ thắt thực quản dưới hoạt động bất thường hoặc yếu đi khiến axit dạ dày có thể chảy ngược vào thực quản. Tình trạng này xảy ra thường xuyên gây kích ứng niêm mạc thực quản có thể dẫn đến viêm. Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến cơ thắt thực quản dưới dễ bị tổn thương và hoạt động yếu gồm:
- Tác dụng phụ của các loại thuốc tây: Những người lạm dụng thuốc tây hoặc sử dụng thuốc tây liên tục để điều trị các bệnh về tiểu đường, huyết áp… có thể ảnh hưởng đến dạ dày thực quản.
- Ăn quá no hoặc ăn khuya gây áp lực lên dạ dày thực quản
- Do biến chứng của một số bệnh lý như: Thực quản Barrett, co thắt thực quản, nhiễm trùng thực quản, hẹp môn vị dạ dày thực quản, ung thư thực quản, ung thư dạ dày…
- Người thừa cân, béo phì: Theo các nghiên cứu khoa học, ở những người béo phì đặc biệt là béo phì vùng bụng thường có nguy cơ bệnh trào ngược dạ dày cao hơn nhiều so với những người có bình thường. Nguyên nhân do mỡ dư thừa gây áp lực lên dạ dày.
- Ăn uống các thực phẩm có hại cho dạ dày thực quản như: Đồ ăn chiên rán, thức ăn cay nóng, đồ chua, cà phê, rượu bia, thức uống có ga…
- Ngoài ra, những người thường xuyên bị stress, căng thẳng kéo dài thường có nguy cơ bị trào ngược axit thực quản cao hơn người khác.
Trào ngược dạ dày thực quản có nguy hiểm không?
Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh không nguy hiểm nếu được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, nếu người bệnh để tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe như:
Hẹp thực quản
Quá trình tổn thương thực quản kéo dài có thể hình thành sẹo. Các mô sẹo này thu hẹp đường dẫn thức ăn gây khó khăn cho việc nuốt. Người bị hẹp thực quản có thể khó khăn khi nuốt thức ăn đặc biệt là thức ăn cứng gây khó thở.
Loét thực quản
Trào ngược dạ dày thường xuyên có thể làm mòn mô ở thực quản. Tình trạng này diễn ra thường xuyên có thể gây loét thực quản. Lúc này người bệnh có biểu hiện nôn ra máu và khó nuốt thức ăn.
Barrett thực quản
Biến chứng này xảy ra khi trào ngược dạ dày kéo dài gây kích thích niêm mạc trong lòng thực quản.
Ung thư thực quản
Bệnh lý ung thư xảy ra khi trào ngược axit dạ dày tiến triển nặng. Người bệnh có một số biểu hiện như hạch to, nuốt nghẹn, giảm cân nặng…
Các phương pháp chẩn đoán trào ngược axit dạ dày
Các bác sĩ có thể chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản dựa trên một số phương pháp sau:
Nội soi
Các bác sĩ đặt một ống nội soi mỏng được trang bị đèn và camera xuống cổ họng của bạn. Ống nội soi này có tác dụng kiểm tra bên trong thực quản và dạ dày của bạn có gì bất thường không. Khi xuất hiện các dấu hiệu lạ, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu khác để chẩn đoán chính xác bệnh trào ngược dạ dày.
Xét nghiệm axit ambulatory (pH)
Phương pháp này giúp theo dõi lượng axit trong thực quản của bạn. Các bác sĩ thực hiện bằng cách sử dụng đầu dò axit ambulatory để đo chỉ số axit dạ dày trong vòng 24 giờ. Xét nghiệm này cho kết quả chính xác về mức độ axit dạ dày và lượng axit trào ngược giúp bác sĩ chẩn đoán, đưa ra phương pháp điều trị trào ngược dạ dày phù hợp.
Nhân trắc thực quản
Xét nghiệm nhân trắc thực quản này đo các cơn co thắt cơ nhịp nhàng trong thực quản của bạn khi bạn nuốt. Nhân trắc thực quản cũng đo lường sự phối hợp và lực tác động bởi các cơ của thực quản của bạn. Với phương pháp chẩn đoán trào ngược dạ dày này, bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng vào thực quản của bạn. Các cảm biến trên ống sẽ đo sự co giãn cơ bắp khi nuốt và áp lực trong thực quản.
Chụp dạ dày thực quản bằng phương pháp cản quang
Chụp cản quang hệ thống tiêu hóa giúp các bác sĩ quan sát được những bất thường ở thực quản, dạ dày của bạn. Đồng thời phương pháp này giúp đánh giá các biến chứng của bệnh như loét, hẹp dạ dày và chứng khó nuốt.
Cách điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Đa số các trường hợp bệnh có thể thuyên giảm thông qua lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống phù hợp. Tuy nhiên một số người cần sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật để giảm triệu chứng bệnh. Dưới đây là một số cách điều trị trào ngược axit dạ dày tại nhà, điều trị tây y, đông y hiệu quả:
Điều trị trào ngược dạ dày bằng phương pháp tây y
Điều trị trào ngược dạ dày thực quản bằng thuốc tây là lựa chọn hàng đầu hiện nay giúp thuyên giảm bệnh nhanh đồng thời giảm triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Một số loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định trong điều trị trào ngược axit dạ dày gồm:
Thuốc ức chế proton (PPI): Giúp giảm triệu chứng nhanh, liền các vết thương ở dạ dày thực quản:
- Omeprazole 20mg: Giảm tiết chế axit, loại bỏ triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản. Tác dụng phụ: đau đầu, tiêu chảy
- Lansoprazole: Thuốc ức chế bơm proton diệt vi khuẩn HP và các tổn thương ở dạ dày – thực quản. Giúp người bệnh giảm đau và giảm cảm giác khó chịu nhanh. Thuốc có một số tác dụng phụ là buồn nôn, nhức đầu, đi ngoài.
- Pantoprazole: Thuốc giúp liền sẹo nhanh, ít tác dụng phụ. Pantoprazole thường được dùng trong trường hợp chứng bệnh GERD nhẹ.
- Rabeprazole: Ức chế tiết acid mạnh hơn omeprazole, kiểm soát axit tốt, giảm trào ngược dạ dày. Tác dụng phụ thường gặp là hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu.
Thuốc làm giảm sản xuất axit dạ dày: Bao gồm Zantac, Pepcid AC, Tagamet HB và Axid AR. Giúp giảm dạ dày tiết axit trong 12 giờ. Tác dụng phụ của thuốc có thể khiến người bệnh buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
Thuốc kháng acid trung hòa dạ dày: Một số loại thuốc phổ biến gồm: Tums, Rolaids và Mylanta… Tác dụng phụ của thuốc trào ngược dạ dày này là các bệnh về tiêu chảy và thận…
Thuốc tây y mang lại hiệu quả điều trị nhanh, tuy nhiên có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ. Vì vậy người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi lựa chọn, không tự ý sử dụng thuốc không theo đơn.
Điều trị trào ngược dạ dày bằng phương pháp dân gian
Một số phương pháp dân gian thường được dùng trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản gồm:
- Mật ong và bột nghệ: Người bệnh pha 1 thìa mật ong, 3 thìa bột nghệ trong 100ml nước ấm và uống trước bữa ăn. Phương pháp này đòi hỏi người bệnh cần kiên trì thực hiện 3 lần mỗi ngày trong vòng 1 tháng để đạt hiệu quả cao.
- Mật ong và gừng: Người bệnh dùng 1 củ gừng tươi thái lát mỏng và ngâm vào 50ml mật ong trong 30 phút. Phương pháp này giúp giảm cảm giác đắng rát họng khó chịu do trào ngược dạ dày thực quản.
- Nước dừa tươi và bột nghệ: Cho 500ml nước dừa tươi vào nồi đun sôi. Tiếp theo, bạn cho 2 thìa tinh bột nghệ vào khuấy đều, để nguội bớt và uống.
- Nước lá mơ: Dùng một nắm lá mơ rửa sạch, để ráo và giã nát. Tiếp theo, người bệnh chắt lấy nước cốt để uống ngày 2 lần.
Ngoài các phương pháp trên, còn rất nhiều bài thuốc dân gian giúp chữa trào ngược dạ dày thực quản như nha đam, cam thảo, thì là… Tuy nhiên hầu hết các phương pháp này đều có tác dụng chậm. Vì vậy, người bệnh cần kiên trì sử dụng và kết hợp với các cách điều trị khác theo chỉ định của bác sĩ.
Điều trị trào ngược dạ dày bằng phương pháp Đông Y
Các bài thuốc đông y giúp kiện tỳ, hoạt huyết, cân bằng âm dương để khôi phục chức năng thực quản và dạ dày. Dưới đây là một số bài thuốc đông y phổ biến:
Bài thuốc đông y số 1:
Chuẩn bị dược liệu gồm: 16g tía tô, 12g xương bồ, 16g biển đậu, 15g hoàng kỳ, 16g hoài sơn, 16g sâm đại hành, 16g lá đắng, 10g chỉ xác, 10g trần bì, 16g bạch truật, 12g đương quy, 16g cây ngũ sắc.
Cách thực hiện: Bệnh nhân trào ngược dạ dày rửa sạch tất cả các nguyên liệu trên, sắc cùng 3 lít nước và uống ngày 2 lần.
Bài thuốc đông y số 2:
Chuẩn bị dược liệu gồm: 16g hoài sơn, 16g ngũ gia bì, 12g liên nhục, 12g thủ ô chế, 20g tía tô, 16g bạch truật, 4g sinh khương, 12 lương khương, 8g chỉ xác, 10g cam thảo, 1g phòng sâm, 10g bán hạ, 16g cây ngũ sắc, 12g bạch linh, 12g lá đinh lăng.
Cách thực hiện: Người bệnh rửa sạch tất cả các dược liệu trên, sắc cùng 3 lít nước và uống ngày 2 lần.
Bài thuốc đông y số 3:
Chuẩn bị dược liệu: 20g tang diệp, 20g mã đề, 20g rau má, 10g hạ liên châu, 16g hoài sơn, 12g thục địa, 10g hậu phác, 10g bán hạ, 16g phòng sam, 16g củ đinh lăng, 16g đương quy, 16g bạch truật, 16g cỏ mực, 16g hắc táo nhân, 12g bạch thược, 8g chỉ xác, 10g trần bì, 12g cam thảo.
Cách thực hiện: Người bệnh rửa sạch tất cả các thảo dược trên cho vào sắc cùng 3 lít nước và uống ngày 2 lần.
Kết hợp thay đổi thói quen sinh hoạt
Bên cạnh việc điều trị theo các phương pháp y học, người bệnh cũng cần chú ý thói quen sinh hoạt để cải thiện tình trạng bệnh. Một số thói quen sinh hoạt tốt cho người bệnh trào ngược dạ dày thực quản gồm:
- Nhai kỹ, ăn chậm để tránh đầy bụng, khó tiêu
- Không ăn quá no, quá muộn hoặc để quá đói
- Không tự ý sử dụng các loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ
- Tránh căng thẳng, mệt mỏi kéo dài
- Bổ sung các thực phẩm tốt cho dạ dày thực quản và hạn chế thực phẩm gây hại
Người bị trào ngược dạ dày thực quản nên ăn gì, kiêng gì?
Chế độ dinh dưỡng liên quan mật thiết đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Do đó việc quản lý được những thực phẩm nên và không nên ăn là vô cùng cần thiết. Dưới đây là một số gợi ý thực phẩm tốt và không tốt cho người bệnh:
Thực phẩm tốt cho chứng trào ngược axit dạ dày
- Các loại rau xanh hỗ trợ tiêu hóa, nhiều chất xơ và vitamin giúp giảm axit dịch vị như: Bắp cải, dưa chuột, ngọn bí…
- Thực phẩm hút dịch dư thừa trong dạ dày, hạn chế chứng trào ngược như: Yến mạch, bột mì…
- Thực phẩm trung hòa dịch vị: Các loại đậu nành, đậu xanh, đậu đen
- Bổ sung thịt trắng từ thịt gà, thịt vịt, thịt lợn giúp bổ sung đạm, ngăn ngừa biến chứng
- Mật ong và nghệ là những thực phẩm tốt cho người bị bệnh về dạ dày và thực quản
Người bị trào ngược dạ dày thực quản nên kiêng ăn gì?
- Đồ ăn dầu mỡ: Những loại đồ ăn này gây khó tiêu, tạo gánh nặng lên dạ dày. Đó có thể là đồ ăn chiên rán, đồ ăn đóng hộp…
- Hoa quả có tính axit: Các loại hoa quả chua có tính axit không tốt cho dạ dày – thực quản như: Cam, bưởi, xoài xanh, khế chua…
- Đồ ăn cay nóng: Làm trầm trọng hơn chứng ợ chua, ợ nóng, rát vùng thượng vị
- Đồ uống chứa cồn, cafein, có ga… làm gia tăng hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản.
Nhìn chung, trào ngược dạ dày thực quản là một căn bệnh phức tạp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, nếu bạn chú ý lắng nghe cơ thể, phát hiện bệnh sớm và tuân thủ các phương pháp điều trị theo chỉ định có thể giúp bệnh thuyên giảm nhanh chóng. Hy vọng những kiến thức tổng hợp trên hữu ích với bạn!