Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh có thể là hiện tượng sinh lý xảy ra ở một số thời điểm nhất định và tự khỏi. Tuy nhiên trong một số trường hợp, đây là bệnh lý ảnh hưởng tới sức khỏe và quá trình phát triển của trẻ. Để hiểu hơn về chứng bệnh này, mời cha mẹ tìm hiểu qua bài viết!
Tìm hiểu về trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh
Đối với trẻ sơ sinh, dạ dày và thực quản còn non yếu nên dễ xảy ra tình trạng trào ngược đặc biệt là khi trẻ đang bú. Trào ngược dạ dày ở trẻ có nguy hiểm hay không phụ thuộc vào loại bệnh là sinh lý hay bệnh lý, cụ thể:
Trào ngược dạ dày do sinh lý
Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh do sinh lý thường xảy ra trong thời gian ngắn, tần suất ít và chủ yếu xảy ra khi trẻ bú. Đối với trường hợp do sinh lý, trẻ không bị khò khè hay khó chịu nên vẫn lên cân đều. Tình trạng này thường gặp ở trẻ dưới một tuổi, không nghiêm trọng và có thể tự khỏi. Khi bị trào ngược dạ dày do sinh lý trẻ vẫn bú đều, chơi đùa và phát triển tốt.
Trào ngược dạ dày do bệnh lý
Đối với trào ngược dạ dày do bệnh lý, trẻ có các biểu hiện phổ biến như: Suy dinh dưỡng, gầy gò, không tăng cân hoặc tăng cân rất chậm và nhiều dấu hiệu về bệnh hô hấp. Cha mẹ nên cho trẻ đi thăm khám chuyên khoa nhi để được các bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị kịp thời và hạn chế biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh. Việc cha mẹ xác định nguyên nhân chính xác gây bệnh giúp điều chỉnh kịp thời và có phương pháp chữa trị tốt nhất. Một số nguyên nhân thường gặp nhất gồm:
Hệ tiêu hóa trẻ sơ sinh phát triển chưa hoàn thiện
Cơ thắt thực quản dưới nằm giữa dạ dày và thực quản có chức năng giúp thức ăn tiêu hóa ở dưới dạ dày. Đối với người trưởng thành, cơ quan này chỉ mở khi chúng ta nuốt. Đối với trẻ sơ sinh, cơ thắt thực quản dưới phát triển chưa hoàn chỉnh và hệ tiêu hóa non yếu nên khó kiểm soát tình trạng đóng-mở dễ dẫn đến trào ngược. Vì vậy khi trẻ bú hoặc ăn quá no khiến thức ăn ứ đọng và trào ngược lên trên thực quản.
Tư thế bú sai
Dạ dày trẻ sơ sinh nằm ngang hoặc nghiêng phía bên phải. Tư thế bú sai là khi đầu, lưng, cổ của bé không tạo thành một đường thẳng. Điều này khiến trẻ dễ bị sặc hoặc sữa chảy qua mũi thậm chí ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Ngoài ra, một số cha mẹ có thói quen cho trẻ nằm ngay khi bú khiến trẻ khó tiêu hóa sữa và ảnh hưởng tiêu cực đến dạ dày.
Do mắc phải một số bệnh lý
Tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh đôi khi là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý nghiêm trọng. Đó có thể là hẹp môn vị (van nằm giữa ruột non và dạ dày bị thu hẹp hạn chế thức ăn từ dạ dày vào ruột non), chứng không dung nạp thực phẩm, viêm thực quản… Để xác định chính xác bệnh lý gây trào ngược ở trẻ sơ sinh, cha mẹ nên cho trẻ thăm khám tại các cơ sở y tế.
Các nguyên nhân khác
Tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh còn có thể do một số nguyên nhân khác như:
- Trẻ sinh non, suy dinh dưỡng
- Trẻ bú hoặc ăn quá nhiều làm thức ăn ứ đọng trong dạ dày
- Trẻ không hợp với loại sữa đang bú
Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh thường không nguy hiểm nếu là dạng sinh lý hoặc bệnh lý được điều trị kịp thời. Tuy nhiên trong một số trường hợp bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe của trẻ như:
- Viêm thực quản: Tình trạng này xảy ra do lớp lót bên trong thực quản bị viêm. Trẻ bị viêm thực quản thường quấy khóc, khó chịu và phát triển chậm. Bệnh lý này có thể dẫn đến barrett thực quản thậm chí gây ung thư.
- Ảnh hưởng tiêu cực đến hệ hô hấp: Trẻ bị trào ngược dạ dày có thể kèm theo ho, khò khè kéo dài gây nên các bệnh lý về đường hô hấp. Một số bệnh thường gặp như: Hen suyễn, ho mãn tính…
- Bệnh lý về tai mũi họng: Các bệnh lý do chứng trào ngược gây ra phổ biến là viêm xoang và viêm tai.
- Trẻ phát triển chậm: Trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày thường khó hấp thụ thức ăn gây nên tình trạng sụt cân, chậm lớn thậm chí suy dinh dưỡng.
Khi nào nên đưa trẻ bị trào ngược dạ dày đến bác sĩ
Nhìn chung, trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh không phải là chứng bệnh nguy hiểm nếu đó là tình trạng bệnh lý thông thường. Tuy nhiên, cha mẹ cần theo dõi và đưa bé đến bác sĩ nếu phát hiện các vấn đề sức khỏe bất thường ở trẻ như: Tăng trưởng kém, không lên cân, thường xuyên nôn mửa, chất thải màu xanh, bé khó thở, bỏ bú, ho, quấy khóc kéo dài…
Lúc này các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm phù hợp với tình trạng sức khỏe của trẻ bằng cách chụp x-quang đường tiêu hóa. Hình ảnh chụp x-quang sẽ giúp bác sĩ phát hiện vấn đề dạ dày ở trẻ và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp. Ngoài ra, các phương pháp xét nghiệm khác có thể được thực hiện là nội soi đường tiêu hóa và xét nghiệm PH thực quản. Sau khi có kết quả về bệnh lý, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe của trẻ.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị trào ngược dạ dày ?
- Không để trẻ bú quá nhiều. Tốt nhất mẹ nên chia nhỏ các cữ bú để tránh cho trẻ bị nôn trớ
- Dùng nước ấm để vệ sinh miệng trẻ sau khi nôn
- Cha mẹ không tự ý dùng các loại thuốc chữa bệnh khi không có chỉ định của chuyên gia y tế.
- Khi trẻ bị trớ sữa, cha mẹ nên nghiêng người và vỗ nhẹ sau lưng.
- Không để trẻ ở trong môi trường khói bụi
Cha mẹ không nên chủ quan chứng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh mà cần theo dõi để có phương pháp xử lý kịp thời. Hy vọng bài viết hữu ích với các bậc cha mẹ khi chăm sóc trẻ!