Thoát vị đĩa đệm thắt lưng là bệnh phổ biến gây nên những cơn đau đớn, khó chịu cho người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời bằng các biện pháp thích hợp, thoát vị đĩa đệm thắt lưng sẽ gây ra nhiều biến chứng khó lường. Hiểu được định nghĩa, triệu chứng, phương thức chẩn đoán của bệnh sẽ giúp quá trình điều trị thoát vị đĩa đệm trở nên dễ dàng hơn.
Tìm hiểu về thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Đĩa đệm là bộ phận quan trọng trên cột sống người, chúng đảm nhiệm vai trò nâng đỡ, giúp các vận động được thực hiện một cách trơn tru. Đĩa đệm được cấu thành từ hai bộ phận là nhân nhầy bên trong và lớp bao xơ bên ngoài. Trong trường hợp vận động quá mức, bạn có thể làm cho đĩa đệm bị tổn thương, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng thoát vị. Như vậy, thoát vị đĩa đệm là hiện tượng nhân nhầy bên trong đĩa đệm thoát ra ngoài, chèn ép lên rễ thần kinh, gây đau cho người bệnh.
Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra bất kỳ vị trí nào trên cột sống, trong đó, thường thấy nhất là thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Thoát vị đĩa đệm thắt lưng thường gặp ở những người cao tuổi, do tình trạng thoái hóa tự nhiên. Nhưng bệnh cũng đang có xu hướng trẻ hóa do thói quen làm việc và sinh hoạt thiếu khoa học.
Thoát vị đĩa đệm thắt lưng thường trải qua 4 giai đoạn chính, cụ thể như sau:
- Cấp độ 1: Hình dạng đĩa đệm có sự biến đổi, trở nên phình, lồi, tuy nhiên lớp bao xơ bên ngoài vẫn nguyên vẹn. Lúc này, triệu chứng bệnh chưa rõ ràng, đôi khi gây nhầm lẫn với các bệnh lý xương khớp khác.
- Cấp độ 2: Thoát vị đĩa đệm thắt lưng độ 2 khiến vùng bao xơ bên ngoài có dấu hiệu suy yếu. Nhân nhầy vẫn nằm trong bao xơ nhưng chúng vẫn có khả năng chèn ép lên dây thần kinh.
- Cấp độ 3: Trong giai đoạn này, đĩa đệm thắt lưng của người bệnh đã có những dấu hiệu thoát vị rõ rệt: bao xơ nứt rách, nhân nhầy thoát ra ngoài. Người bệnh đã cảm nhận thấy những cơn đau ngày càng mạnh ở vùng cột sống lưng.
- Cấp độ 4: Thoát vị đĩa đệm thắt lưng sẽ xuất hiện kèm các mảnh rời. Các cơn đau không chỉ tập trung ở vùng cột sống lưng mà có xu hướng lan sang các vùng khác như hông, đùi, chân, bàn chân (trong trường hợp các khối thoát vị chèn lên dây thần kinh tọa).
Thoát vị đĩa đệm thắt lưng không chỉ gây ra những cơn đau đớn, khó chịu cho người bệnh mà trong trường hợp nếu không được điều trị sớm có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như:
- Khả năng vận động gặp nhiều khó khăn
- Teo cơ, bại liệt
- Rối loạn đại tiểu tiện
- Ảnh hưởng đến dây thần kinh, gây rối loạn cảm giác
- Hội chứng đau khập khễnh cách hồi
Triệu chứng thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Trong giai đoạn đầu, thoát vị đĩa đệm thắt lưng rất khó nhận biết, điều này gây cản trở cho quá trình phát hiện và điều trị bệnh. Dưới đây là một số triệu chứng của thoát vị đĩa đệm thắt lưng thường gặp:
- Đau nhức tại cột sống thắt lưng: bắt đầu với những cơn đau tại vị trí thoát vị, các cơn đau có xu hướng lan tỏa xuống các khu vực xung quanh như mông, đùi, chân, bàn chân. Chúng xuất hiện lúc âm ỉ khi dữ dội kéo dài ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và các hoạt động cơ bản của người bệnh.
- Thắt lưng có dấu hiệu co cứng: Tình trạng này thường xảy ra trong trường hợp nhân nhầy đĩa đệm chèn ép nặng lên các dây thần kinh. Lúc này, người bệnh khó có thể ngồi hoặc vận động bình thường bởi khu vực lưng đang bị tổn thương. Một số trường hợp, bàn chân và ngón chân của người bệnh cũng bị co cứng.
- Tê bì: Người bệnh thoát vị đĩa đệm thắt lưng còn có cảm giác tê buồn, tình trạng này diễn ra thường xuyên, nhất là vào lúc mới ngủ dậy. Điều này gây cản trở đến cuộc sống của người bệnh, khiến họ luôn trong trạng thái bứt rứt, mệt mỏi.
- Yếu cơ: một trong những triệu chứng thường thấy của thoát vị đĩa đệm thắt lưng đó chính là hiện tượng yếu cơ, làm cho mọi vận động gặp rất nhiều khó khăn.
- Sưng tấy: đôi khi người bệnh sẽ nhận thấy ở vị trí bị tổn thương xuất hiện tình trạng đỏ ửng, sưng tấy. Ngoài cảm giác đau, bạn cũng có thể cảm thấy những cơn nóng ran, khó chịu.
- Teo cơ, mất cảm giác: bởi dây thần kinh bị chèn ép, do đó người bệnh có thể bị mất cảm giác khi bệnh trở nặng. Việc cử động ở vùng lưng người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn, tay, chân mất cảm giác. Tình trạng này lặp lại trong thời gian dài sẽ khiến người bệnh lười vận động và dẫn đến hiện tượng teo cơ, thậm chí bại liệt.
Nếu nhận thấy những dấu hiệu như trên, bạn cần đến gặp bác sĩ sớm để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Bên cạnh những triệu chứng lâm sàng, bệnh thoát vị đĩa đệm thắt lưng sẽ được xác định chính xác hơn thông qua các chẩn đoán hình ảnh sau:
- Chụp X quang quy ước
Chụp Xquang quy ước không thể kết luận chính xác bạn có bị thoát vị đĩa đệm hay không nhưng có thể gián tiếp xác định vị trí thoát vị thông qua các hình ảnh như: hẹp khoang gian đốt sống, lệch vẹo cột sống, mất ưỡn cột sống (tam chứng Barr). Không chỉ vậy, X quang quy ước (chụp các tư thế thẳng, nghiêng, chếch, cúi và ưỡn) còn giúp xác định các tổn thương khác của cột sống như trượt đốt sống, mất vững cột sống, khuyết eo…
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Đây là phương pháp chẩn đoán hiện đại bậc nhất, có độ tin cậy cao trong việc chẩn đoán các bệnh lý xương khớp, đặc biệt là thoát vị đĩa đệm. Trên các phim cộng hưởng từ có thể xác định chính xác vị trí, số tầng thoát vị, hình thái thoát vị, từ đó giúp cho quá trình điều trị trở nên dễ dàng hơn.
- Chụp cắt lớp vi tính kết hợp với chụp bao rễ cản quang
Kỹ thuật này được chỉ định trong trường hợp người bệnh không thể thực hiện chụp cộng hưởng từ. Phương pháp chụp cắt lớp vi tính kết hợp với chụp bao rễ cản quang cũng giúp xác định chính xác vị trí, mức độ chèn ép của thoát vị đĩa đệm với độ nhạy bén khá tốt.
Vừa rồi là những thông tin về thoát vị đĩa đệm thắt lưng, hy vọng đã giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh này cũng như có kế hoạch chủ động phòng chống bệnh ngay từ sớm. Đặc biệt, nếu thấy triệu chứng của thoát vị đĩa đệm, bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.