Thoát vị đĩa đệm là một trong những bệnh lý về cột sống điển hình với mức độ phổ biến cao. Bệnh này không chỉ gây ra những cơn đau đớn ảnh hưởng đến khả năng vận động mà còn đẩy người bệnh đứng trước nguy cơ yếu liệt nếu không được điều trị đúng cách. Vậy thì thoát vị đĩa đệm có chữa khỏi được không chính là thắc mắc được nhiều người đưa ra. Hãy cùng nghe phân tích từ bác sĩ chuyên môn để có câu trả lời chính xác nhất!
Thoát vị đĩa đệm có chữa được không?
Đĩa đệm là cấu trúc gồm có phần nhân nhầy ở giữa lớp bao xơ bao bọc bên ngoài. Đĩa đệm nằm giữa hai đốt sống với vai trò nâng đỡ, chêm lót để giúp các cử động như xoay, nghiêng, cúi, ngửa… của cột sống được linh hoạt, trơn tru và giảm áp lực ma sát giữa hai đốt sống.
Vì một lý do nào đó như tổn thương, thoái hóa mà khiến cho cấu trúc đĩa đệm bị lỏng lẻo, làm cho phần nhân nhầy bị thoát ra khỏi vòng sợi qua vết nứt rách rồi chèn ép lên hệ thần kinh, dây chằng và tủy sống của cột sống. Khi rễ thần kinh bị chèn ép do nhân nhầy đĩa đệm thoát vị, nó sẽ khiến người bệnh phải đối mặt với cảm giác đau đớn, tê buốt, tê ngứa rất khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động.
Nhiều trường hợp vì quá đau mà người bệnh thoát vị đĩa đệm không thể làm việc hay đi lại được, chỉ có thể nằm yên một chỗ. Điều này làm suy giảm chất lượng sống. Do đó, câu hỏi cấp thiết được đặt ra là “thoát vị đĩa đệm có chữa khỏi được không?”.
Trả lời câu hỏi này, theo PGS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa (Nguyên Giảng Viên Đại học Y Dược TPHCM), bệnh thoát vị đĩa đệm chỉ được coi là khỏi nếu như cơ thể sản sinh ra đĩa đệm mới nhưng điều này là không thể. Trong khi đó, nếu thay thế đĩa đệm nhân tạo hoặc cắt bỏ khối thoát vị thì cũng chỉ được xem là giải pháp tạm thời. Do đó, trong thực tế thì bệnh này không thể chữa khỏi được hoàn toàn. Tuy nhiên những can thiệp là cần thiết vì nếu sử dụng đúng phương pháp thì có thể giúp người bệnh hồi phục đến 80% so với ban đầu. Nếu khắc phục được đến đây đã được xem là rất tốt. Ngoài ra, điều trị thoát vị đĩa đệm có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố sau:
- Tình trạng thoát vị: Thoát vị càng nhẹ thì khả năng hồi phục càng cao.
- Phương pháp điều trị phù hợp với từng giai đoạn bệnh lý: Với cơn đau cấp tính cần sự hỗ trợ của thuốc giảm đau trong khi đó nếu để chữa lâu dài thì cần kết hợp nhiều liệu pháp trong một phác đồ toàn diện.
- Thái độ của người bệnh: Người bệnh nên nhớ thoát vị đĩa đệm không thể chữa trong ngày một ngày hai mà cần tới sự kiên trì rất lớn để đạt tới hiệu quả tối ưu nhất.
Thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không?
Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý rất thường gặp trong số những bệnh lý về cột sống hiện nay. Nếu xét về mức độ nguy hiểm theo khía cạnh đe dọa đến tính mạng thì bệnh này không đến mức đó. Nó cũng không phải bệnh nan y để y học phải “bó tay”. Thế nhưng những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh lý này lên các hoạt động sống của người bệnh mới thực sự là điều đáng lo ngại.
Đó là việc người bệnh bị giảm khả năng vận động đến mức để thực hiện những động tác thông thường nhất như cúi người, nghiêng người, ưỡn ngực, trở mình… thì cũng rất đau đớn như cực hình. Ngoài ra, việc thoát vị đĩa đệm để lâu ngày và không được can thiệp đúng cách thì còn có thể đẩy người bệnh đứng trước nguy cơ biến chứng về lâu dài như:
- Rối loạn thần kinh thực vật: Đó là hệ quả của việc rễ thần kinh bị khối thoát vị chèn ép lâu ngày dẫn tới tổn thương khó hoặc không thể hồi phục. Rễ thần kinh chi phối tới vùng nào của cơ thể thì vùng đó sẽ bị ảnh hưởng. Thường thì có trường hợp không còn phản xạ với nóng lạnh, không có phản xạ dựng lông hoặc thay đổi cả về sắc tố của da.
- Rối loạn đại tiểu tiện: Cũng là một hệ quả khi rễ thần kinh bị chèn ép hay cơ thắt điều khiển hoạt động tiểu tiện/đại tiện bị tổn thương. Ban đầu người bệnh có thể bị bí tiểu, sau đó là tới việc tiểu tiện không tự chủ, són tiểu…
- Teo cơ: Rễ thần kinh bị khối thoát vị chèn ép lâu ngày sẽ gây ra tổn thương không hồi phục do máu và chất dinh dưỡng bị chặn đứng lại, không thể tới các chi để duy trì hoạt động sống. Điều này sẽ khiến cơ chân, tay cũng bị teo dần, giảm khả năng vận động hoặc mất hẳn khả năng vận động.
- Yếu liệt: Đây chính là biến chứng về vận động nguy hiểm nhất với người thoát vị đĩa đệm khi các tổn thương thần kinh do bị chèn ép không thể hồi phục. Người bệnh có thể mất hoàn toàn khả năng cử động chi, không thể đi lại hoặc sinh hoạt bình thường.
Có thể thấy, dù là bất cứ biểu hiện hay biến chứng nào của bệnh thoát vị đĩa đệm thì cũng đều ảnh hưởng sâu sắc tới khả năng vận động của người mắc. Do đó, công tác thăm khám và điều trị bệnh lý này cần được hết sức quan tâm, không thể chủ quan. Nếu càng được phát hiện và điều trị sớm thì càng tăng cơ hội điều trị thành công.
Trên đây là những thông tin trả lời cho câu hỏi “thoát vị đĩa đệm có chữa khỏi được không?”, hy vọng qua bài viết bạn đã hiểu thêm về bệnh lý này. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!