Phẫu thuật bệnh trĩ được chỉ định khi các búi trĩ đã mất hoàn toàn khả năng co giãn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa của người bệnh. Hiện nay có những phương pháp cắt trĩ nào và đâu là phương pháp hiệu quả nhất? Bạn đọc hãy cùng đi tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây!
Khi nào cần phẫu thuật bệnh trĩ?
Trĩ được xem là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến nhất hiện nay. Bệnh xảy ra khi các tĩnh mạch nằm bên dưới lớp mô da của trực tràng hoặc hậu môn bị phình giãn và mất đi tính đàn hồi vốn có. Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi người, đặc biệt với những ai đang đối mặt với chứng táo bón suốt một thời gian dài.
Các bác sĩ chia trĩ thành hai loại, dựa trên vị trí phát triển là trĩ ngoại và trĩ nội. Thông thường, nếu bệnh ở giai đoạn nhẹ hoặc trung bình, tức là những búi trĩ vẫn còn có thể tự co lại được thì không cần sử dụng đến các can thiệp ngoại khoa. Nhưng với trường hợp các búi trĩ đã phát triển quá cỡ và ảnh hưởng xấu đến thành mạch thì bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh phải phẫu thuật cắt trĩ.
Phẫu thuật bệnh trĩ sở hữu nhiều lợi ích, ví dụ như:
- Giúp loại bỏ hoàn toàn những búi trĩ tập trung ở khu vực trực tràng – hậu môn, ngăn ngừa tối đa nguy cơ tái phát.
- Giúp cải thiện tức thời các triệu chứng khó chịu của trĩ như chảy máu trong và đau ngứa hậu môn.
Để chắc chắn rằng bản thân có nên sử dụng biện pháp phẫu thuật chữa trĩ hay không, bạn cần đi thăm khám đầy đủ và tham khảo ý kiến tư vấn từ các chuyên gia. Dù phương pháp này đem lại hiệu quả tốt nhưng khoảng thời gian sau phẫu thuật để phục hồi có thể lên đến vài tuần và cần có biện pháp chăm sóc hết sức cẩn thận, tránh làm vết phẫu thuật nhiễm trùng, lở loét.
Các phương pháp phẫu thuật bệnh trĩ phổ biến nhất
Dưới đây là những phương pháp phẫu thuật bệnh trĩ phổ biến nhất hiện nay:
Phẫu thuật cắt trĩ đóng (Closed Hemorrhoidectomy)
Phẫu thuật cắt trĩ đóng còn được biết đến với tên gọi là phương pháp Ferguson. Đây cũng là giải pháp ngoại khoa phổ biến nhất trong điều trị bệnh trĩ nội. Dạng phẫu thuật này thường mang lại nhiều cảm giác đau đớn và khó chịu sau khi hoàn tất thủ tục thế nhưng nó cho tỷ lệ tái phát thấp, dưới 2.5%.
Phẫu thuật bệnh trĩ đóng là một chu trình bao gồm hai thủ tục. Đầu tiên, sau khi xác định vị trí của búi trĩ, các bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng như dao mổ, kéo, máy đốt điện hoặc tia laser để loại bỏ búi trĩ. Sau đó, họ tiến hành khâu vết mở bằng loại chỉ tự tiêu. Điểm đặc biệt của phương pháp này là có thể tiến hành cùng lúc với ba búi trĩ.
Sau khi phẫu thuật, người bệnh cần chú ý nghỉ ngơi và chăm sóc vết thương. Người bệnh có thể áp dụng thêm biện pháp tắm bồn sitz và tiêu thụ các dạng thực phẩm lỏng, mềm để giảm đau và ngăn ngừa chứng táo bón. Cắt trĩ đóng cũng có thể tiềm ẩn một số các biến chứng như chảy máu, bí tiểu, hẹp hậu môn,…
Phẫu thuật cắt trĩ để mở (Open Hemorrhoidectomy)
Phương pháp phẫu thuật cắt trĩ để mở được tiến hành tương tự như với biện pháp phẫu thuật bệnh trĩ đóng. Tuy nhiên, thay vì khâu vết mổ, dạng phẫu thuật này lại để mở các cầu da niêm mạc nơi xuất hiện của búi trĩ. Thông thường, các bác sĩ sẽ yêu cầu can thiệp ngoại khoa cắt trĩ để mở trong trường hợp vị trí hoặc số lượng của các búi trĩ không đáp ứng được thủ tục khâu khép.
Các biện chứng tiềm ẩn sau phẫu thuật cắt trĩ để mở gồm có: Chảy máu trong trực tràng, chảy máu hậu môn, đi tiểu rắt, nhiễm trùng đường tiết niệu và vón phân.
Phẫu thuật cắt trĩ bằng kẹp (Stapled Hemorrhoidectomy)
Phẫu thuật bệnh trĩ bằng kẹp là phương pháp “ít tuổi” nhất trong các can thiệp ngoại khoa đối với bệnh trĩ nội. Thủ thuật này còn được biết đến với một số tên gọi phổ biến khác là Longo, PPH và phẫu thuật Ethicon Endo,…Các bác sĩ thường chỉ định biện pháp cắt trĩ bằng kẹp với những bệnh nhân bị trĩ nội độ 3, độ 4 hoặc các trường hợp dùng thủ thuật xâm lấn khác nhưng đã thất bại.
Phẫu thuật cắt trĩ bằng kẹp được thực hiện bằng cách dùng một thiết bị đặc biệt có phần đầu hình chóp nón để loại bỏ một phần của búi trĩ dư thừa. Sau đó, các bác sĩ sẽ cố định phần niêm mạc trực tràng còn lại về đúng với vị trí giải phẫu vốn có. Một công dụng khác của biện pháp này là làm giảm lượng máu cung cấp đến búi trĩ.
Ưu điểm chính của phương pháp phẫu thuật bệnh trĩ bằng kẹp là thời gian hồi phục ngắn và không khiến người bệnh quá đau đớn khó chịu hậu phẫu như các cách khác. Tuy nhiên, phương pháp này lại có tỷ lệ tái phát khá cao.
Phẫu thuật thắt búi trĩ (Rubber Band Ligation)
Phẫu thuật thắt búi trĩ là phương pháp chỉ được dùng trong điều trị trĩ nội. Để thực hiện biện pháp này, các bác sĩ trước tiên sẽ sử dụng một thiết bị soi chuyên dụng để xác định vị trí búi trĩ. Sau đó, vẫn thông qua thiết bị kia, một dải dây cao su được thắt vào gốc của mô dư thừa. Dai dây siết chặt khiến máu không thể đến nuôi tế bào của búi trĩ, kết quả là búi trĩ tự rụng sau khoảng vài ngày đến một tuần lễ.
Phẫu thuật thắt búi trĩ bị giới hạn về số lượng, tức là mỗi lần thực hiện chỉ thắt được tối đa hai búi trĩ. Sau bốn đến sáu tuần từ thủ tục lần đầu, người bệnh mới có thể tiếp tục áp dụng phương pháp thắt vòng cao su này.
Sau khi thực hiện thắt búi trĩ, người bệnh có thể sẽ cảm thấy hơi đầy trướng vùng bụng dưới hoặc buồn đi vệ sinh. Nếu dải cao su thắt quá chặt khiến bệnh nhân đau đớn, các bác sĩ sẽ bổ sung thêm một liều thuốc tê. Dù biến chứng của phương pháp này khá hiếm xảy ra, tuy nhiên bệnh nhân vẫn cần lưu ý. Ví dụ: Cảm giác đau dữ dội, chảy máu hậu môn, bí tiểu hoặc nhiễm trùng vùng hậu môn.
Bài viết trên đây hy vọng đã giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin, kiến thức mới liên quan đến chủ đề phẫu thuật bệnh trĩ. Để đảm bảo hồi phục tốt sau phẫu thuật, bạn cần chú ý nghỉ ngơi đầy đủ, sử dụng thuốc làm mềm phân và tăng cường dinh dưỡng đầy đủ trong bữa ăn hàng ngày. Chúc bạn mau khỏi bệnh!