Việc phân biệt trĩ nội và trĩ ngoại giúp chúng ta có biện pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất. Bạn đã biết cách nhận biết hai dạng bệnh này chính xác nhất hay chưa? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm ra câu trả lời bạn nhé!
Phân biệt trĩ nội và trĩ ngoại như thế nào?
Bệnh trĩ là một trong các vấn đề đường tiêu hóa phổ biến nhất ở mọi người. Nó được chia thành ba dạng chính là trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ huyết khối, tuy nhiên thường thì hai dạng đầu tiên là quen thuộc nhất với người bệnh.
Để phân biệt trĩ nội và trĩ ngoại, bạn có thể dựa vào những yếu tố sau:
Địa điểm hình thành bệnh
Có thể nói rằng địa điểm hình thành búi trĩ là dấu hiệu đặc trưng nhất dùng để phân biệt hai dạng bệnh lý này. Đối với trĩ ngoại, tình trạng sưng tĩnh mạch thường diễn ra ở các mô vùng hậu môn. Bạn nhận thấy các búi trĩ bằng mắt thường và có thể dùng tay sờ thấy nó.
Còn đối với trĩ nội, bệnh thường phát triển tận bên trong trực tràng. Chính vì thế, bạn không thể nhìn thấy hay cảm nhận được nó. Chỉ đến khi bệnh tiến triển thành trĩ sa, bạn mới có thể nhận biết được bằng mắt thường khi đi đại tiện.
Các biểu hiện dùng để phân biệt trĩ nội và trĩ ngoại
Yếu tố đặc trưng thứ hai dùng để xác định các dạng bệnh trĩ chính là triệu chứng. Về cơ bản, trĩ nội thường có những biểu hiện dưới đây:
- Trong phân của bạn có lẫn máu tươi hoặc phân thải ra có màu nâu, đen sậm. Đôi khi, tình trạng này biến thể thành chảy máu trong và khiến bạn “đi” ra những cục máu tươi.
- Búi trĩ lòi ra khỏi hậu môn khi bạn đại tiện. Bạn có thể cảm nhận rõ hơn khi thử cố rặn nhưng sau đó nó lại thụt vào bên trong.
Còn với bệnh trĩ ngoại, bạn sẽ có những triệu chứng như sau:
- Cảm giác đau kèm ngứa ngáy khó chịu. Nguyên nhân là do hậu môn tập trung nhiều các dây thần kinh cảm giác. Vì vậy khi búi trĩ hình thành, nó dễ khiến bạn thấy đau.
- Nứt hậu môn: Các búi trĩ rất dễ bị tổn thương khi bạn đi đại tiện, hậu quả là gây ra tình trạng nứt hậu môn và chảy máu hậu môn.
- Hậu môn bị sưng tấy: Các mô nằm trên phần tĩnh mạch bị giãn cũng sẽ trở nên sưng tấy. Bạn có thể nhận thấy dấu hiệu này bằng mắt thường.
Dấu hiệu phân biệt trĩ nội và trĩ ngoại theo cấp độ
Yếu tố cuối cùng được sử dụng để phân biệt hai dạng bệnh chính là các cấp độ tiến triển của búi trĩ. Cụ thể với trĩ nội, cấp độ bệnh gồm có:
- Độ 1: Tình trạng sưng tĩnh mạch ở thành trực tràng, dẫn đến hình thành các búi trĩ nhỏ.
- Độ 2: Các búi trĩ có thể lòi ra khỏi hậu môn khi nhu động ruột co bóp đẩy phân ra ngoài nhưng sau đó chúng sẽ tự thụt vào.
- Độ 3: Các búi trĩ bắt đầu sa hoàn toàn ra khỏi hậu môn. Lúc này, bạn phải dùng ngón tay đẩy chúng vào lại bên trong.
- Độ 4: Các búi trĩ mất độ đàn hồi, chúng sa ra bên ngoài hậu môn.
Các cấp độ phát triển của trĩ ngoại như sau:
- Độ 1: Tĩnh mạch bị sưng tại thành hậu môn tuy nhiên kích thước còn rất nhỏ.
- Độ 2: Các búi trĩ bắt đầu phát triển về kích thước, gây cảm giác vướng mỗi khi đi ngoài.
- Độ 3: Các búi trĩ có kích thước bằng đầu ngón tay cái, gây cản trở việc đào thải phân đồng thời kèm theo đau rát mỗi lần đại tiện. Ở giai đoạn này, nếu không điều trị sớm, nó có thể dẫn đến biến chứng vỡ búi trĩ hoặc nhiễm trùng.
Trĩ nội và trĩ ngoại – tình trạng nào nguy hiểm hơn?
Cả hai dạng bệnh trĩ này đều gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Về cơ bản, chúng có mức độ nguy hiểm tương đương nhau. Tuy nhiên, trĩ nội lại là tình trạng khó nắm bắt hơn trĩ ngoại. Nguyên nhân là vì bệnh lý này phát triển ở bên trong trực tràng, nơi mà bạn không thể nhận thấy những dấu hiệu bất thường bằng mắt được.
Hơn nữa ở giai đoạn đầu của trĩ nội, tình trạng sưng tĩnh mạch mới phát sinh, bạn hầu như không cảm nhận được bất kỳ triệu chứng nào. Chỉ đến khi búi trĩ đã tăng trưởng về kích thước kèm theo hiện tượng phân lẫn máu, bạn mới có thể biết được mình đã bị trĩ nội.
Cách điều trị trĩ ngoại và trĩ nội
Nếu bệnh được phát hiện sớm, bạn có thể không cần sử dụng thuốc Tây y mà chỉ cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, lối sống cũng như áp dụng thêm một số biện pháp tại nhà để hỗ trợ cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, lời khuyên là bạn nên đi khám tại bệnh viện để được chẩn đoán và chữa trị tốt nhất.
Điều trị trĩ nội và ngoại bằng thuốc Tây
Bạn có thể sử dụng một số các loại thuốc tân dược dưới đây:
- Với trĩ nội: Các loại thuốc đặt trực tràng như voltaren, proctolog, repaherb,…Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thêm các thuốc chống viêm không chứa steroid để giảm đau, ví dụ ibuprofen, naproxen, aspirin,…
- Với trĩ ngoại: Các loại kem bôi tại chỗ như titanoreine, preparation H, rectostop,…Bên cạnh đó, bạn có thể dùng kèm các miếng dán chữa trĩ hoặc viên sủi teo búi trĩ như ifory, hemostop,…
Lưu ý: Với tình trạng sa trĩ ở cả hai dạng bệnh, phương pháp điều trị tốt nhất là can thiệp ngoại khoa để loại bỏ hoàn toàn búi trĩ.
Điều trị trĩ ngoại và trĩ nội bằng biện pháp tại gia
Bạn có thể áp dụng thêm những mẹo vặt tại nhà dưới đây:
- Bổ sung thật nhiều chất xơ từ rau xanh và hoa quả, ví dụ như rau cải, rau mồng tơi, bí ngô, các loại đậu, ớt chuông, măng tây, quả bơ,…
- Uống đủ hai lít nước mỗi ngày, bạn có thể bổ sung từ các nguồn như sữa, nước ép trái cây, canh hầm,…bên cạnh nước lọc.
- Tắm nước ấm có thể giúp các cơ vùng hậu môn được thư giãn đồng thời giảm đau hiệu quả.
- Sử dụng các bài thuốc thảo dược từ lá diếp cá, lá ngải cứu, lá bàng,…Bạn dùng chúng đun lấy nước ngâm rửa hậu môn hàng ngày.
- Hạn chế ăn các đồ ăn cay nóng vì chúng có thể gây kích ứng cho hậu môn và trực tràng.
Bài viết trên hy vọng đã đem đến cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích giúp phân biệt trĩ nội và trĩ ngoại chính xác nhất. Bạn cần chủ động phòng chống bệnh trĩ nhờ vào việc xây dựng một lối sống lành mạnh, tránh ngồi quá lâu thời gian dài và tăng cường vận động cơ thể!