Viêm phổi ở trẻ em là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tử vong hàng đầu của các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh tuyệt đối không được lơ là chủ quan. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để có thể hiểu rõ hơn về căn bệnh nguy hiểm này nhé.
Viêm phổi ở trẻ em là gì?
Viêm phổi ở trẻ em là tình trạng lá phổi của bé bị nhiễm trùng. Nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở trẻ nếu không được chữa trị kịp thời có thể diễn tiến nặng hơn, gây nên viêm phổi.
Trẻ em có hệ thống miễn dịch yếu, sinh non hay trong trường hợp mắc các bệnh lý mạn tính là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh này khá cao. Bên cạnh đó, các yếu tố như suy dinh dưỡng, không được nuôi bằng sữa mẹ, thiếu vitamin A, không được tiêm chủng đầy đủ cũng tác động khiến bé rất dễ bị viêm phổi.
Bạn cần theo dõi các biểu hiện của con mình tại nhà. Thời tiết giao mùa là thời điểm bé dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Nếu nghi ngờ con mình viêm phổi, bạn hãy đưa trẻ tới khoa Nhi tại các cơ sở Y tế để được khám và điều trị. Nhất là trong trường hợp các triệu chứng của trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm.
Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ em
Nguyên nhân chính gây bệnh viêm phổi ở trẻ em là do virus. Bởi virus có ái lực với đường hô hấp, khả năng lây truyền virus lại rất dễ dàng. Đồng thời, khả năng miễn dịch của cơ thể trẻ em đối với virus rất yếu và trong thời gian ngắn nên rất dễ bị nhiễm lại. Một số virus thông thường gây nên nhiễm trùng này là virus hợp bào hô hấp (Res. Syncytidal virus: RSV), cúm, Á cúm, Adenovirus, Sởi, Rhinovirus, Enterovirus.
Bên cạnh đó vi khuẩn cũng là một trong những nguyên nhân đóng vai trò quan trọng gây nên bệnh viêm phổi ở trẻ em. Hiện nay, các vi khuẩn thường gặp là Hemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae, liên cầu, tụ cầu, Mycoplasma, Chlamydia.
Bệnh có thể lây truyền trong không khí thông qua ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với nước bọt, bệnh phẩm của người bệnh.
Triệu chứng viêm phổi ở trẻ em
Các dấu hiệu khi trẻ bị viêm phổi thường đa dạng và ở nhiều mức độ khác nhau. Triệu chứng điển hình khi con bạn viêm phổi là trẻ bắt đầu với những cơn ho, sốt, chảy mũi, quấy khóc nhiều hơn bình thường, mệt mỏi, chán ăn. Nếu bạn không biết cách xử trí kịp thời, bệnh của con sẽ diễn biến trở nên nặng rất nhanh.
Khi bé có các dấu hiệu thở nhanh, khó thở, thở rít, khò khè, khi thở vào lòng ngực rút lõm, cánh mũi phập phồng, tím tái,… thì chứng tỏ trẻ đang bị viêm phổi nặng. Bạn cần đưa trẻ đi khám, tránh để tới tình trạng co giật sẽ rất nguy hiểm.
Phác đồ điều trị viêm phổi ở trẻ em
Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới và là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ nhập viện, nhất là trẻ dưới 2 tháng tuổi.
Công tác chẩn đoán: Công tác chẩn đoán viêm phổi ở trẻ em mà bác sĩ sẽ thực hiện lần lượt là hỏi tiền sử, bệnh sử, khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm cần thiết.
Chẩn đoán xác định: Xác định dựa vào các đặc điểm lâm sàng và kết quả cận lâm sàng của người bệnh:
- Lâm sàng: ho, sốt, khó thở, thở nhanh.
- Kết quả chụp X- quang: là tiêu chuẩn quan trọng nhất để xác định người bệnh có viêm phổi hay không. Tuy nhiên, phương pháp này không phân biệt được tác nhân gây bệnh.
Chẩn đoán phân biệt: Thường rất khó để chẩn đoán các nguyên nhân gây bệnh. Một số bệnh lý khác mà bác sĩ phải phân biệt để tránh nhầm lẫn với viêm phổi ở trẻ em là hen suyễn, bệnh lý bẩm sinh tại phổi, dị vật đường thở, suy hô hấp…
Để chẩn đoán xem có phải người bệnh bị viêm phổi hay không, bác sĩ thường đề nghị bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm sau:
Xét nghiệm máu: Loại xét nghiệm này giúp các bác sĩ có thể xác định được số lượng bạch cầu, từ đó biết được tình trạng viêm của người bệnh. Máu ven được lấy để nuôi cấy, giúp cho công tác phát hiện các trường hợp viêm phổi ở trẻ em do vi khuẩn, xác định đúng tác nhân gây bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị, đặc biệt là loại thuốc kháng sinh phù hợp với từng bệnh nhân.
Xét nghiệm nước tiểu: Loại xét nghiệm này giúp phát hiện hai tác nhân gây viêm phổi là vi khuẩn Streptococcus pneumoniae và Legionella pneumophila.
Nuôi cấy đờm: Kỹ thuật viên xét nghiệm sẽ thu mẫu bệnh phẩm này từ sau những cơ ho sâu, ho mạnh của người bệnh,sau đó xác định loại tác nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ em.
Chụp X – quang ngực: Nhằm xác định vị trí và mức độ nặng nhẹ của các ổ nhiễm trùng nếu có.
Chụp CT: Phương pháp này giúp bác sĩ có thể quan sát một cách rõ ràng và chi tiết hơn hình ảnh của phổi nhờ công nghệ cắt lớp vi tính. Thông thường, phương pháp này được sử dụng trong các trường hợp bệnh nhân điều trị không hiệu quả, người viêm phổi nặng.
Nội soi phế quản: Tương tự như chụp CT, nội soi phế quản áp dụng cho người viêm phổi nặng hoặc bệnh chữa trị nhiều lần không khỏi, hay tái phát. Phương pháp này giúp kỹ thuật viên lấy mẫu bệnh phẩm từ dịch và tế bào mô ở khí quản, phế quản để tìm căn nguyên gây bệnh.
Khí máu động mạch: Giúp bác sĩ xác định nồng độ oxy trong máu. Thông thường, người bệnh được lấy máu từ động mạch tại cổ tay. Phương pháp này giúp xác định mức độ trầm trọng của bệnh thông qua quá trình trao đổi oxy và cacbon của cơ thể.
Điều trị viêm phổi ở trẻ em
Có 4 nguyên tắc trong điều trị viêm phổi cho trẻ nhỏ là:
- Kháng sinh, chống nhiễm khuẩn
- Dinh dưỡng
- Điều trị và hạn chế tối đa xảy ra biến chứng
- Hỗ trợ hô hấp (nếu cần)
Điều trị tại nhà hoặc cơ sở y tế
Khi phát hiện trẻ có bất kỳ các biểu hiện của viêm phổi, các mẹ có thể vệ sinh tai mũi họng cho con bằng dung dịch natri clorid 0,9% và vệ sinh răng miệng sạch sẽ, cho trẻ nghỉ ngơi. Tuyệt đối không cho con sử dụng kháng sinh nếu chưa được khám và có chỉ định của bác sĩ.
Nếu trẻ bị viêm phổi nặng, cần đến điều trị tại các cơ sở y tế để nhận được sự theo dõi, chăm sóc tốt hơn và kịp thời xử lý biến chứng. Tại đây, các bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh và từ đó sử dụng thuốc theo kháng sinh đồ để vừa có có tác dụng chữa bệnh vừa hạn chế nguy cơ kháng kháng sinh.
Ngoài ra, tại bệnh viện có thể thực hiện các kỹ thuật điều trị khác nếu tình trạng bệnh của trẻ trở nên nghiêm trọng. Có thể sử dụng các thiết bị hỗ trợ, đặt ống nội khí quản trong các trường hợp có biểu hiện suy hô hấp hay truyền dịch nếu trẻ có các triệu chứng mất nước và chất điện giải.
Điều trị hỗ trợ
Có thể chườm mát hoặc dùng paracetamol để hạ sốt. Người nhà nên giúp trẻ giữ đường thở thông thoáng, hút đờm dãi, nới lỏng quần áo, kê cao đầu… để trẻ có thể hô hấp dễ dàng hơn.
Chăm sóc trẻ bị viêm phổi
Trẻ viêm phổi thường biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, dễ nôn, trớ. Do vậy, các mẹ cần cho con ăn các món ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa như bột, cháo… Đảm bảo phòng ở, đồ dùng cá nhân của trẻ sạch sẽ, thoáng mát.
Phòng bệnh viêm phổi ở trẻ em
- Các mẹ cần cho con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Tiêm vaccine là một biện pháp giúp hệ miễn dịch của trẻ hoạt động tốt hơn.
- Các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp cấp có thể tiến triển nặng gây nên viêm phổi. Do đó, nếu con bạn đang mắc phải bệnh lý này hãy chắc chắn điều trị chúng thật tốt. Bên cạnh đó, các bệnh như viêm nhiễm tai mũi họng cũng cần phải được chữa trị dứt điểm.
- Cách phòng bệnh tốt nhất là tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Bạn cần chuẩn bị cho bé một chế độ ăn đúng và đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Mẹ nên cho trẻ bú sữa ngay sau khi đẻ để giúp trẻ nâng cao sức đề kháng.
- Những người chăm sóc trẻ em chú ý luôn vệ sinh cho trẻ sạch sẽ. Đồng thời, bạn cần vệ sinh môi trường sống trong sạch, loại bỏ những yếu tố có hại gây kích thích hệ hô hấp của các con như khói bụi, khói thuốc lào, thuốc lá.
- Cho trẻ mặc quần áo đúng mùa. Đặc biệt, trong thời điểm thời tiết giao mùa cần giữ ấm ngực và cổ cho bé.
- Phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp trẻ mắc bệnh về hệ hô hấp và điều trị theo phác đồ.
- Nếu con của bạn gặp một trong các dấu hiệu như khó thở hơn, ăn uống kém, thở nhanh, mệt nặng hơn, li bì, sốt cao thì cần đưa ngay tới cơ sở Y tế để khám và điều trị kịp thời.
Phác đồ điều trị viêm phổi ở trẻ em rất quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe và hạn chế tối đa tác dụng không mong muốn của thuốc với cơ thể của trẻ sau này. Trên đây là phác đồ điều trị mà bạn đọc có thể tham khảo để chăm sóc sức khỏe của bé yêu tốt hơn.