Đau thần kinh tọa gây ra cảm giác tê buốt, nhức mỏi khó chịu kéo dài trên cơ thể, khiến cả sức khỏe và cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân chịu nhiều ảnh hưởng. Việc nắm rõ những thông tin như triệu chứng, nguyên nhân có thể giúp mọi người phát hiện sớm tình trạng này và điều trị kịp thời nhất. Hãy cùng tìm hiểu với bài viết sau đây nhé!
Đau thần kinh tọa là gì?
Đau thần kinh tọa là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng bị chèn ép của dây thần tọa. Đây là những dây thần kinh phân nhanh từ khu vực thắt lưng, chạy xuống vùng mông, đùi, bắp chân và bàn chân. Theo các bác sĩ, thông thường thì tình trạng ảnh hưởng đến một bên cơ thể, ví dụ như nửa hông và chân trái hay nửa hông, chân bên phải. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh nhân bị đau ở cả hai bên.
Đau dây thần kinh tọa xảy ra ở tất cả mọi người tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh thường thấp hơn đối với lứa tuổi thanh thiếu niên. Thay vào đó, những người làm việc văn phòng, lao động chân tay nặng nhọc, người cao tuổi và phụ nữ có thai chiếm tỷ lệ cao hơn các đối tượng khác.
Bệnh thần kinh tọa có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, nhưng phổ biến hơn cả là liên quan đến thoát vị đĩa đệm, gai xương phát triển trên cột sống và hẹp ống sống. Những vấn đề cơ xương khớp này dẫn đến viêm đau, tê buốt, nhức mỏi rất khó chịu ở người bệnh. Chính vì vậy, người bệnh nên được chẩn đoán và điều trị sớm để phòng ngừa những nguy cơ biến chứng dễ gây tổn hại đến sức khỏe.
Hiện nay, hầu hết các trường hợp đau thần kinh tọa được điều trị bằng phương pháp bảo tồn, ví dụ như dùng thuốc hay vật lý trị liệu. Thời gian điều trị thường kéo dài trong khoảng vài tuần. Đối với những ca bệnh nghiêm trọng hơn hoặc dùng thuốc không hiệu quả, các bác sĩ có thể kiến nghị sử dụng phẫu thuật để xử lý triệt để vấn đề.
Đau thần kinh tọa có nguy hiểm không?
Không ít người bệnh thắc mắc về vấn đề “Đau thần kinh tọa có nguy hiểm hay không?”. Theo các bác sĩ, bệnh nhân có tỷ lệ hồi phục cao hơn trong trường hợp được phát hiện sớm và có biện pháp điều trị đúng đắn. Bởi vì đa phần các ca bệnh đau dây thần kinh tọa đều có liên quan đến tổn thương cột sống, do đó thời gian chiếm một vai trò quan trọng.
Nếu như các tổn thương cột sống này có thời gian phát triển, mức độ ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe của bệnh nhân sẽ ngày càng gia tăng. Người bệnh lúc này có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Yếu sức hay mất sức ở hai chân: Dây thần kinh vùng thắt lưng chạy dọc hai chân giúp phần thân dưới có thể cảm nhận xúc giác và hỗ trợ quá trình vận động. Tuy nhiên, nếu chúng phải chịu áp lực do đĩa đệm thoát vị hay gai xương trong thời gian dài, bệnh nhân rất dễ bị mất sức, yếu sức ở khu vực này, gây ra nhiều khó khăn trong các hoạt động như đi lại hay chạy nhảy.
- Hội chứng chùm đuôi ngựa: Đau dây thần kinh tọa kéo dài cũng có thể dẫn đến hội chứng chùm đuôi ngựa. Tình trạng này xảy ra khi các dây thần kinh chùm đuôi ngựa cũng bị đè nén và tổn thương. Đây được coi là trường hợp y tế khẩn cấp và người bệnh cần được phẫu thuật trong thời gian sớm nhất.
Bệnh thần kinh tọa có chữa được không?
Việc điều trị bệnh thần kinh tọa phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, ví dụ như nguyên nhân, mức độ tổn thương của dây thần kinh, tiền sử bệnh lý của người bệnh,…Thông qua việc thăm khám cụ thể, các bác sĩ mới có thể quyết định phương án chữa bệnh cũng như xây dựng phác đồ điều trị. Đối với vấn đề bệnh có thể chữa khỏi hay không, người bệnh tốt nhất nên tham khảo lời giải đáp và tư vấn của chuyên gia cho từng trường hợp cụ thể.
Trên thực tế, tình trạng này không phải vấn đề y tế phức tạp hay nguy hiểm, đặc biệt là nếu người bệnh phát hiện sớm và có biện pháp xử lý tức thời. Đa phần các trường hợp đều được điều trị bằng thuốc, kết hợp thêm các bài tập trị liệu, chế độ nghỉ ngơi cũng như dinh dưỡng lành mạnh. Theo các bác sĩ, hiệu quả điều trị bảo tồn có thể lên đến 80%, thậm chí 90%.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ cần nhờ cậy đến sự trợ giúp của phẫu thuật. Những bệnh nhân này thường là do để bệnh phát triển trong một thời gian, khi đó dây thần kinh đã tổn thương nghiêm trọng và việc dùng thuốc không thu được kết quả cải thiện đáng kể nào.
Các biện pháp phẫu thuật thương tác động vào cấu trúc cột sống, loại bỏ những áp lực mà dây thần kinh tọa phải chịu đựng. Phẫu thuật cũng giúp ngăn ngừa nguy cơ biến chứng nguy hiêm như bại liệt hay hội chứng đuôi ngựa có thể xảy ra.
Triệu chứng đau thần kinh tọa
Người bệnh đau dây thần kinh tọa có thể gặp phải những triệu chứng dưới đây:
- Đau nhức khó chịu: Đối với bất kỳ vấn đề nào liên quan đến xương khớp và dây thần kinh, cảm giác đau nhức khó chịu là triệu chứng đầu tiên mà người bệnh gặp phải. Các cơn đau này bắt đầu ở khu vực thắt lưng, sau đó lan xuống mông, hông, bắp đùi, bắp chân, bàn chân và ngón chân.
Người bệnh có thể cảm thấy đau buốt, đau âm ỉ, thậm chí là đau dữ dội. Khi ngồi lâu hoặc ho, hắt hơi, tình trạng này sẽ trở nên tồi tệ hơn.
- Cảm giác tê ngứa râm ran: Ở một số người bệnh, họ còn có thể cảm thấy tê ngứa râm ran như kiến bò ở phía đùi trong, bắp chân, bàn chân và cả các ngón chân. Dù tình trạng này không gây nhiều khó chịu như triệu chứng đau nhức, nó vẫn khiến người bệnh không được thoải mái và ảnh hưởng đến một số hoạt động thường ngày. Cảm giác tê ngứa có thể chỉ xảy ra ở một bên chân, trường hợp bị cả hai chân thường hiếm gặp hơn.
- Hai chân mất sức khi di chuyển: Bệnh thần kinh tọa cũng có thể khiến người bệnh cảm thấy hai chân bị mất sức, yếu sức, nhất là khi đi lại hay chạy nhảy. Triệu chứng này được xem là hệ quả của việc đau nhức và tê ngứa kéo dài dai dẳng. Người bệnh cũng khó có thể giữ được thẳng bằng vì sức mạnh ở chân trụ đã bị suy giảm khá nhiều.
Đối với trường hợp bệnh thần kinh tọa biến chứng, người bệnh có thể có các dấu hiệu sau:
- Cảm giác đau nhức dữ dội không thuyên giảm dù đã sử dụng một số biện pháp giảm đau tại chỗ.
- Một bên chân bị tê liệt hoàn toàn cảm giác, mất kiểm soát bàng quang và đường ruột.
Nguyên nhân đau thần kinh tọa
Bệnh thần kinh tọa có thể do các nguyên nhân sau đây gây ra:
- Thoát vị đĩa đệm: Các vấn đề liên quan đến đĩa đệm, nhất là thoát vị, được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng đau dây thần kinh tọa. Khi một đĩa đệm ở cột sống thắt lưng bị rách hoặc vỡ, nhân đĩa sẽ trào ra bên ngoài rồi đè lên dây thần kinh tọa chạy qua đó. Người bệnh vì thế mà cảm thấy đau nhức, tê buốt kéo dài.
- Gai xương cột sống: Gai xương thường phát triển khi cột sống bước vào giai đoạn thoái hóa. Những gai xương này do sự va chạm của đốt xương sống mà trở nên dài và to hơn. Trong trường hợp chúng hình thành ở cột sống lưng dưới, những dây thần kinh tọa rất dễ bị ảnh hưởng.
- Hẹp ống sống: Hẹp ống sống cũng là một nguyên nhân gây ra bệnh thần kinh tọa. Khi không gian bên trong ống sống bị thu hẹp lại, áp lực chèn lên những dây thần kinh tọa và tủy sống sẽ lớn hơn. Nếu tình trạng này kéo dài, hậu quả tất yếu là dây thần kinh bị tổn thương, gây ra cảm giác tê ngứa, đau nhức khó chịu cho người bệnh.
- Khối u ở cột sống: Có một số ít trường hợp người bệnh thần kinh tọa liên quan đến khối u ở cột sống. Những khối u này có thể là u xương, u dây tủy sống,… có khả năng gây ảnh hưởng rất lớn đến cấu trúc cột sống. Bên cạnh đó, nếu kích thước khối u lớn hơn và chèn lên dây thần kinh tọa, người bệnh có thể sẽ gặp phải các triệu chứng như đau nhức, tê ngứa, mất sức chi dưới,…
Đau thần kinh tọa có thể gây ra nhiều hậu quả xấu nếu người bệnh không có biện pháp xử lý kịp thời và thích hợp. Để phòng ngừa hiệu quả tình trạng này, mọi người nên chú ý đến việc luyện tập thể dục thể thao, duy trì cân nặng hợp lý, ăn nhiều rau xanh cũng như đặt lịch thăm khám sức khỏe sáu tháng một lần.