Axit dạ dày là một chất đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các hoạt động tiêu hóa của dạ dày. Tuy nhiên, nếu tăng tiết axit quá mức hoặc thiếu hụt axit trầm trọng sẽ gây ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào thì không phải ai cũng biết. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Axit dạ dày là gì?
Axit dạ dày hay còn gọi là axit Clohydric. Đây là axit vô cơ được tìm thấy trong dịch vị của dạ dày và axit này cũng chính là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm loét dạ dày.
Trong tự nhiên, hợp chất hóa học này ở dạng lỏng với các nồng độ khác nhau. Nếu nồng độ hợp chất này lớn hơn 40%, chúng có khả năng ăn mòn các tế bào, vùng mô, gây tổn thương đến các bộ phận trên cơ thể. Khi pha loãng nồng độ, axit Clohydric được biết đến là hợp chất tẩy rửa, vệ sinh nhà cửa.
Trong dạ dày của cơ thể người, axit HCl có vai trò quan trọng trong việc điều tiết các hoạt động trao đổi chất. Cụ thể, chúng là hợp chất xúc tác cho các phản ứng thủy phân trong cơ thể như hòa tan Glucozơ, Saccarozơ, protein,…Ngoài ra, axit Clohydric còn giúp hòa tan các loại muối khó tan trong dạ dày.
Thông thường, nồng độ axit dạ dày trong cơ thể người được coi là ổn định, bình thường khi đạt khoảng 0.0001 – 0.001 mol/l (tương ứng với pH bằng 4 và 3).
Trong cơ thể người, dạ dày sẽ tiến hành sản xuất axit nhằm thúc đẩy các quá trình hệ tiêu hóa bao gồm 3 giai đoạn chính:
- Giai đoạn cephalic
Đây là giai đoạn đầu trong chuỗi phản ứng thúc đẩy quá trình xúc tác của hệ tiêu hóa. Sẽ có khoảng 30% axit dạ dày được sinh ra trong giai đoạn này. Cơ chế được diễn ra như sau:
Đầu tiên, khứu giác và vị giác tiếp nhận mùi, vị thức ăn, tạo ra các kích thích đến trung khu thần kinh ở não bộ. Từ đây, não sẽ phát tín hiệu đến dây thần kinh phế vị và kích thích dạ dày tiết lượng axit vừa đủ để thực hiện quá trình phân hủy thức ăn.
- Giai đoạn dạ dày
Giai đoạn này có sự sản sinh của 60% axit dạ dày được tiết ra trong dạ dày thông qua các hoạt động co bóp, nhào nặn thức ăn.
- Giai đoạn ruột
Hầu hết thức ăn được di chuyển xuống ruột non với lượng thức ăn dạng bán lỏng. Khi này chỉ còn khoảng 10% lượng axit được tiết ra để thực hiện nhiệm vụ.
Với những thông tin trên, chúng ta có thể khẳng định axit dạ dày rất quan trọng trong quá trình thực hiện các hoạt động tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt nồng độ axit thì cơ thể có thể mắc một số chứng bệnh sau:
Nồng độ HCl nhỏ hơn 0,0001 mol/l (pH lớn hơn 4,5): Khi đó cơ thể mắc các chứng như đầy bụng, khó tiêu, đầy hơi… Đồng thời khi nồng độ thấp là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển trong dạ dày – nguyên nhân gây bệnh ung thư dạ dày.
Nồng độ HCl lớn hơn 0,001 mol/l (pH nhỏ hơn 3,5): Các triệu chứng thường gặp như ợ chua, đắng miệng, ợ nóng, viêm dạ dày kèm lở loét, trào ngược thực quản… Đặc biệt, nếu nồng độ này ở mức cao trong thời gian dài có thể gây ra hiện tượng loét và xuất huyết dạ dày.
Tìm hiểu tình trạng dư thừa axit dạ dày
Thừa axit dịch vị dạ dày là gì?
Theo các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, dư thừa axit dạ dày còn được gọi là Hypochlorhydria, là hiện tượng nồng độ axit tiết ra trong dạ dày cao hơn mức bình thường là 0.001 mol/l.
Nguyên nhân khiến dư thừa axit dạ dày
Theo thông tin trên, khi chỉ số axit trong thành dạ dày lớn hơn 0.001 mol/l sẽ gây ra tình trạng dư thừa axit dạ dày. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này?
- Sử dụng thường xuyên các chất kích thích
Các chất kích thích bao gồm rượu, bia trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng dư thừa axit dạ dày. Cụ thể, nồng độ cồn có trong các đồ uống này làm tăng hàm lượng axit, khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương. Lâu dần, chúng gây đau bụng cấp và có thể dẫn đến xuất huyết.
- Sử dụng nhiều loại thực phẩm cay nóng, đồ ăn nhanh
Bên trong các thực phẩm cay nóng, đồ ăn nhanh có chứa nhiều chất gây hại cho dạ dày. Khi đó, cơ thể phải tiết ra nhiều axit hơn mức bình thường để tiêu hóa cũng như đào thải ra ngoài. Lượng axit dạ dày cao bất thường này hoạt động liên tục gây ra tình trạng viêm dạ dày.
- Thường xuyên bỏ bữa hoặc ăn uống không điều độ
Khi cơ thể bình thường, lượng axit được dạ dày tiết ra để thực hiện chức năng tiêu hóa. Thế nhưng, khi cơ thể đói, lượng axit được tiết ra nhiều hơn làm bào mòn niêm mạc thành dạ dày thậm chí, chúng có thể gây ung thư nếu không điều trị sớm.
- Stress trong thời gian dài
Căng thẳng quá mức có thể gây ra các tín hiệu xấu đến quá trình trao đổi chất của cơ thể, kích thích dạ dày co bóp mạnh hơn dù bụng rỗng, gây tăng tiết axit dạ dày quá mức.
- Thiếu ngủ trầm trọng
Mất ngủ hay thiếu ngủ cũng có thể là nguyên nhân gây tình trạng dư thừa axit dạ dày. Thiếu ngủ khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi đồng thời dạ dày cũng thực hiện các chức năng kém hơn, dịch vị axit cũng được bài tiết khi tăng khi giảm bất thường.
Dư axit dạ dày có gây nguy hiểm?
Theo nhiều nghiên cứu, trong số những người bị dạ dày thì tình trạng do dư thừa axit thường phổ biến hơn cả. Theo đó, tỷ lệ gặp phải của vấn đề này thường chiếm đến 65%.
Hơn nữa, bên cạnh các biểu hiện dư axit dạ dày như: Thường xuyên ợ nóng, ợ chua, đau bụng,… người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm nếu không chữa trị sớm. Cụ thể như:
- Tổn thương gây trào ngược dạ dày thực quản: Việc tiết nhiều axit trong dạ dày có thể gây ra hiện tượng trào ngược lên thực quản từ đó khiến đường hô hấp bị tổn thương.
- Viêm loét vùng dạ dày: Axit dạ dày tăng tiết khiến lớp niêm mạc dạ dày bị bào mòn. Lâu ngày, tình trạng này có thể gây ra các vết loét và dẫn đến xuất huyết.
- Xuất huyết dạ dày thượng vị: Xuất huyết trong dạ dày gây tình trạng mất máu. Người bệnh có thể nhận thấy hiện tượng này khi đi đại tiện có máu kèm trong phân.
- Đặc biệt, bệnh có thể nghiêm trọng hơn khi xuất hiện triệu chứng thủng dạ dày hoặc ung thư dạ dày.
Cách chữa dư axit dạ dày
Nồng độ axit trong dịch vị dạ dày tăng là mối đe dọa đối với sức khỏe của nhiều người bởi nó có thể báo hiệu nguy cơ mắc một số bệnh nguy hiểm. Vì lẽ đó, để cải thiện tình trạng, người bệnh nên áp dụng ngay một số cách khắc phục làm giảm dịch axit dạ dày như sau:
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích: Hạn chế hoặc không sử dụng chất kích thích là điều mà mỗi bệnh nhân mắc dạ dày nên làm. Theo đó, hiện tượng ợ nóng, đau dạ dày sẽ giảm hẳn.
- Chế độ ăn uống hợp lý: Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và hợp lý gồm các loại thực phẩm chứa nhiều đạm, tinh bột, vitamin, khoáng chất,…Đồng thời, người bệnh cũng nên tránh xa một số loại thực phẩm cay nóng và dầu mỡ.
- Bên cạnh đó, bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ như củ, quả, rau sẽ giúp ích rất nhiều cho hệ tiêu hóa của bạn và giảm tiết axit dạ dày dư thừa.
- Hơn thế, việc bỏ bữa rất nguy hiểm nên bạn cần phải ăn đúng và đủ bữa đồng thời không nên ăn quá no sẽ gây hại cho dạ dày.
- Thực hiện chế độ luyện tập thường xuyên: Vận động thường xuyên và điều độ nhằm tăng cường sức khỏe. Sau đó, kết hợp bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp cải thiện tình hình bệnh liên quan đến dạ dày.
Tìm hiểu tình trạng thiếu hụt axit dạ dày
Cũng giống như tình trạng dư thừa dịch axit, người bệnh cũng có thể thiếu dạng axit này trong dạ dày. Dưới đây là các thông tin quan trọng liên quan đến tình trạng bệnh này.
Thiếu dịch vị axit dạ dày là gì?
Thiếu dịch vị axit hay còn được biết đến với tình trạng nồng độ axit HCl nhỏ hơn 0.0001 mol/lit (pH lớn hơn 4.5). Điều này đồng nghĩa với việc dạ dày làm việc không hiệu quả nên không đủ sản xuất lượng HCl cần thiết.
Thông thường, đối với cơ thể hoạt động bình thường thì chỉ số axit dạ dày sẽ giúp phân hủy protein, ngăn ngừa nấm, kích thích và hỗ trợ các hoạt động tiêu hóa, thúc đẩy hệ enzyme làm việc. Tuy nhiên khi thiếu dịch vị axit thì một số hoạt động có lợi mất đi có thể khiến dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng.
Lúc này, người bệnh thường xuyên gặp một số triệu chứng điển hình gây khó chịu như: Ợ hơi, đắng miệng, chướng bụng, rụng tóc. Đặc biệt, một số người còn bị nhiễm trùng đường tiêu hóa gây thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng.
Đồng thời, nhiều nghiên cứu đã chứng minh khi thiếu hụt axit dạ dày có thể là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra các chứng bệnh nguy hiểm như: Loét dạ dày, rối loạn hệ tiêu hóa, xuất huyết dạ dày và ung thư.
Nguyên nhân gây thiếu hụt axit dịch vị dạ dày
Một số nguyên nhân dưới đây được cho là do thiếu hụt axit dạ dày:
- Chế độ ăn uống không khoa học: Chế độ ăn uống không đảm bảo đủ chất hoặc không đúng bữa có thể khiến lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày bị tổn thương gây giảm tiết axit.
- Sử dụng các loại thuốc kháng sinh: Sử dụng thuốc kháng sinh hay bất kỳ loại thuốc nào trong thời gian dài cũng có thể là nguyên nhân khiến cho lượng axit dạ dày bị thiếu hụt.
- Căng thẳng: Khi tâm lý không ổn định, thường xuyên gặp phải vấn đề khiến bạn stress gây ảnh hưởng đến não bộ và các cơ quan trong cơ thể trong đó có dạ dày. Đặc biệt, chúng khiến hàm lượng axit sụt giảm hoặc tăng đột biến.
Các dấu hiệu thiếu hụt axit dạ dày
- Ợ hơi, trướng bụng thường xuyên trong vòng 1 tiếng kể từ khi ăn xong. Nguyên nhân được xác định do thiếu nồng độ axit dạ dày để tiêu hóa, nhào nặn các loại thức ăn. Lúc này, các thức ăn được enzyme thủy phân gây chua và sinh khí dẫn đến hiện tượng trướng bụng đầy hơi mà nhiều người gặp phải.
- Có thể bị trào ngược axit dạ dày lên thực quản. Hiện tượng này được chứng minh có liên quan đến tình trạng thiếu hụt axit. Khí được sinh ra trong dạ dày do các phản ứng lên men sẽ gây áp lực lên cơ vòng khiến cơ này mở ra không đúng thời điểm. Lúc này, dịch axit sẽ theo đó mà trào lên thực quản cùng với dịch thức ăn đang tiêu hóa dở.
- Hôi miệng.
- Hiện tượng đi ngoài sống phân. Điều này có thể giải thích khi dạ dày không cung cấp đủ lượng axit dạ dày để tiêu hóa thức ăn và chúng sẽ được đưa xuống ruột non, ruột già và cuối cùng theo manh tràng đi ra ngoài.
- Cảm giác đói mặc dù vẫn no do cơ thể không cảm nhận được các chất dinh dưỡng đã hấp thụ.
- Chất sừng bị thiếu hụt khiến móng tay dễ gãy, tóc dễ rụng.
Cách khắc phục khi cơ thể thiếu axit dạ dày
Nếu cơ thể bạn bị thiếu hụt hàm lượng axit dịch vị dạ dày thì một số cách sau đây sẽ giúp được bạn:
- Cải thiện chế độ ăn uống: Nên ăn các thực phẩm dễ tiêu hóa như: Sữa chua, cháo, soup,… Bên cạnh đó, người bệnh nên bổ sung các thực phẩm lên men sẵn như: Cải chua, kim chi, sung muối,…Các loại thực phẩm này sẽ giúp điều chỉnh nồng độ axit dạ dày hợp lý khi bạn ăn ở mức vừa phải.
- Bổ sung các thực phẩm có chứa kẽm như: Gà, thịt cừu, thị bò, cua, tôm, hạt bí đỏ,…Hoặc người bệnh cũng có thể bổ sung thêm các loại thực vật chứa nhiều hợp chất này như: Khoai tây, các loại ngũ cốc, gạo lứt,…
- Cung cấp cho cơ thể một số vitamin quan trọng như vitamin C, vitamin E, vitamin B6 cũng giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt chỉ số axit dạ dày.
- Nói không với các chất kích thích như cafe, rượu, nước ngọt có gas và thay vào đó là chế độ ăn uống khoa học.
- Nên ăn trước khi đi ngủ 1 tiếng để dạ dày có thời gian hoạt động tiêu hóa.
- Không kết hợp uống nước lạnh khi ăn. Bởi đây có thể là nguyên nhân gây ra thiếu hụt axit dạ dày.
- Luôn để tâm trạng thoải mái, hạn chế thức khuya.
Cơ thể khỏe mạnh nhất khi bao tử của bạn có chỉ số axit dạ dày cân bằng. Khi thừa hoặc thiếu axit sẽ gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe do đó người bệnh nên đi khám sớm để được chữa trị kịp thời.
Như vậy, dù axit dạ dày thiếu hay thừa thì người bệnh vẫn cần tuân chế độ ăn uống hợp lý kết hợp rèn luyện sức khỏe thường xuyên. Đồng thời, việc thăm khám bác sĩ để chữa trị sớm là việc bạn cần làm đầu tiên giúp đẩy lùi nhanh tình trạng bệnh. Chúc bạn mau chóng khỏe mạnh.